Động lực “cất cánh”
Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần đây trở thành những đơn vị tiên phong trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Heineken Việt Nam có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế, 4/6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon.
Hay Coca-Cola Việt Nam, tính đến tháng 6/2019, đã rót hơn 40 tỷ đồng cho dự án nước sạch vì cộng đồng, cung cấp hơn 2 tỷ lít nước sạch tại 7 tỉnh, thành phố với hơn 70.000 người dân được thụ hưởng. Còn Unilever Việt Nam khá thành công khi triển khai chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn…
Mới đây nhất, tháng 6/2019, 9 công ty tiên phong sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) gồm: TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestlé, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation.
Ông Adam Ward, đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam nhận định: “Khu vực tư nhân đóng vai trò năng động trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm. Đây là nhân tố giúp kinh tế tuần hoàn Việt Nam có thể “cất cánh”.
Phát biểu tại Phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 - mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu” trong khuôn khổ Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, một số mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình trong khu vực tư nhân đã bước đầu có kết quả tốt.
Theo ông Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái sinh tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng được chứng minh giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm nhờ triển khai hệ thống tuần hoàn rác thải, vật liệu và nguồn nước trong khu công nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, mô hình thu gom tái chế rác thải, chai lọ mà Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nền kinh tế tuần hoàn chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác - sản xuất - tiêu hủy” sang mô hình tái sử dụng có mục đích. Theo ước tính, kinh tế tuần hoàn giúp thế giới có thể tiết kiệm 4.500 tỷ USD vào năm 2030, riêng châu Âu có thể tiết kiệm 600 tỷ EUR (khoảng 660 tỷ USD) mỗi năm. Tính đến cuối năm 2018, đã có 34 quốc gia trên thế giới có bước tiến đầu tiên về luật pháp và chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Cần bàn tay “bà đỡ”
Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, khái niệm kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng một cách chính thức trong văn bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp cận kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Hiện nay, Bộ Công thương đang dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở các ngành lĩnh vực cụ thể, cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn nữa.
Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phân tích hoạt động sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo của ngành đường Việt Nam. Kết quả cho thấy, rất khó thu hút đầu tư vào điện bã mía với mức giá 5,8 UScent/kWh, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bỏ lỡ tiềm năng tạo ra hơn 700 MW từ điện bã mía.
Điện sinh khối từ bã mía chỉ trở nên hấp dẫn như điện gió hay điện mặt trời khi giá bán được nâng lên 9,35 UScent/kWh. Để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, Chính phủ cần điều chỉnh giá bán điện sinh khối từ bã mía lên mức thích hợp nhằm tăng sức cạnh tranh của các nhà máy đường, ông Adam Ward đề xuất.
“Xây dựng mô hình hợp tác liên kết là cần thiết để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhằm huy động sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo, cùng với đó là sự chủ động tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự và đối tác phát triển, mà ở đó vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới là rất quan trọng”, ông Adam Ward kiến nghị.
Theo ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại và phát triển bền vững tại Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, với cam kết ít nhất 25% bao bì được tái chế sử dụng, Công ty đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông tái chế, thu gom rác thải nhựa tới tận hộ gia đình. Quá trình triển khai mô hình này được người dân rất ủng hộ, nhưng các công ty thu gom lại không có hệ thống thu gom tương ứng, nên khi vận chuyển đến nơi tái chế, khâu phân loại rác thải lại phải thực hiện từ đầu.
Ông Vương kiến nghị, cần có cách làm tái chế rác thải ở quy mô lớn, đồng bộ, trong đó vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước là rất quan trọng.
Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối quan hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. “Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới là yêu cầu cấp bách nhằm giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Nguyễn Hoàng Nam nhận định.
Việt Nam tiếp cận kinh tế tuần hoàn từ rất sớm
Năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó chú trọng hỗ trợ áp dụng công nghệ sạch, ít tiêu hao nguyên liệu.
Đứng trước cơ hội từ thị trường có giá trị lên tới 4.500 tỷ USD, trong giai đoạn 2012-2018, Việt Nam ban hành một loạt chính sách khuyến khích sản xuất sạch hướng đến phát triển bền vững.
Năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.