Marcus Lemonis khởi nghiệp khi nhận ra tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp RV (Recreational Vehicles: các loại ô tô hoặc xe tải được trang bị không gian và tiện nghi như một ngôi nhà). Do đó, ông mua lại hơn 100 doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực này và “sáp nhập” thành Camping World – công ty chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các “ngôi nhà di động”, hoạt động cắm trại và các hoạt động ngoài trời khác.
Năm 2010, Camping World có công ty mẹ là Good Sam Enterprises. Năm 2013, doanh thu tổng của cả Good Sam Enterpries và Camping World lên đến 2,5 tỷ USD.
|
Bí quyết kinh doanh nào đã giúp Marcus Lemonis trở thành một “doanh nhân ngôi sao” như hiện nay?
Tránh các sai lầm phổ biến mà doanh nhân thường mắc phải
Mọi doanh nhân đều có thể phạm sai lầm, nhưng theo Marcus Lemonis, dưới đây là 4 sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân nên tránh xa:
- Nghĩ rằng mình biết tất cả
Nhiều doanh nhân có xu hướng nghĩ rằng tất cả ý tưởng của họ đều tốt nhất. Tuy nhiên, khi ai đó đưa ra một lời khuyên tốt, bạn phải sẵn sàng “tách riêng” cảm xúc của mình để lắng nghe. Vì việc không lắng nghe người khác có thể cản trở sự thành công của chính bạn.
- Không ghi nhận công sức của đội ngũ
Không đặt đủ niềm tin vào những người xung quanh mình là lỗi phổ biến của doanh nhân.
Bạn không thể một mình tạo nên được công ty lớn mạnh. Do đó, việc dành thời gian để nhận biết những khó khăn của đội ngũ là việc rất cần thiết. Bởi vì đôi khi chính những nhân viên lại có khả năng đưa ra ý tưởng tốt hơn một nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
- Không biết những số liệu quan trọng
Ngay cả những nhà lãnh đạo có phong cách quản lý vi mô nhất cũng không thực sự nắm rõ những số liệu quan trọng của công ty mình. Trong khi đó, những con số quan trọng nhất mà doanh nhân nên nắm rõ là doanh thu bán hàng hằng năm, hệ số biên lợi nhuận gộp (còn gọi là hệ số tổng lợi nhuận hoặc tỷ lệ lãi gộp) và các số liệu về chi phí.
Không một chủ doanh nghiệp hoặc nhà lãnh đạo nào lại quá bận rộn đến mức không thể nắm được các số liệu về “đầu vào”, “đầu ra” của công ty mình.
- Bỏ qua phản hồi
Các doanh nhân thường phớt lờ những phản hồi có xu hướng tiêu cực từ người khác, và họ bỏ nhiều công sức, tiền bạc cho những ý tưởng mà chỉ chính họ cho là hấp dẫn. Trong khi đó, “bài kiểm tra” tốt nhất cho các ý tưởng ban đầu chính là phản ứng của mọi người về nó.
Khi phải bắt đầu lại từ đầu: làm công việc mình yêu thích
Nếu phải bắt đầu lại, Marcus Lemonis cho biết sẽ... buôn bán xe. Ông cho rằng lĩnh vực này có một mối tương quan trực tiếp giữa công việc và phần thưởng, vì “bạn có thể dễ dàng nhìn thấy phần thưởng của mình trong phần hoa hồng nhận được. Không có gì đơn giản hơn thế”.
“Nếu một ngày bị mất tất cả và phải làm lại từ đầu, tôi sẽ đi kinh doanh ô tô. Bởi vì tôi sẽ tự kiểm soát được lịch trình làm việc của mình. Tôi có thể thức dậy lúc 5 giờ sáng và làm việc đến 10 giờ đêm. Và vì tôi rất yêu thích công việc này”, Lemonis nói và nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ làm công việc mình không ưa thích.
Khi còn đi học, Marcus Lemonis từng phải làm nhiều công việc để kiếm tiền, từ cắt cỏ đến trở thành nhân viên quảng bá cho các sự kiện giải trí. Tiếp theo, ông gia nhập ngành công nghiệp ô tô và sau đó là lĩnh vực RV.
Bất kể làm công việc gì, Marcus Lemonis đều cho rằng việc yêu thích những gì mình làm rất quan trọng.
Kinh nghiệm về những “chiếc bẫy” trong nhượng quyền
Rút ra từ kinh nghiệm trong The Profit, Lemonis cho rằng có 4 “chiếc bẫy” phổ biến mà các doanh nghiệp nhượng quyền cần tránh nếu muốn thành công:
- Vội vàng mở quá nhiều chi nhánh
Nhiều doanh nhân sau khi nhận nhượng quyền liền vội vã mở quá nhiều chi nhánh hoạt động để rồi phải sớm đóng cửa một số chi nhánh và không thể trang trải nổi lãi vay ban đầu. Thay vì vội vàng, hãy tập trung hoàn thiện cửa hàng đầu tiên để tránh bị ngập trong nợ nần.
- “Hờ hững” với doanh nghiệp nhận quyền
Sau khi nhượng quyền thương hiệu, đừng phớt lờ các chủ doanh nghiệp nhận nhượng quyền, như thể thứ duy nhất bạn quan tâm là “tiền bản quyền”, bất chấp hiệu quả kinh doanh của họ thế nào.
Để giữ được sự tôn trọng từ họ, hãy quan tâm và khiến họ thấy như bạn đang đầu tư vào công việc kinh doanh của họ, không phải chỉ vì tiền mà còn vì họ đã tin tưởng vào sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Một số loại hình kinh doanh có thể đem đến lợi nhuận cao nhưng số tiền trung bình khách hàng bỏ ra cho một lần mua hàng lại thấp. Chẳng hạn, đối với chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các loại trà mang đi Tea 2 Go ở bang Texas (Mỹ), khách hàng thường chỉ chi trung bình 3 đô la cho mỗi lần mua hàng, vì trong menu không hề có các loại “sản phẩm phụ trợ” hoặc thức ăn. Như thể doanh nghiệp đang cố gắng vận hành ở mức ít nhất nhất có thể và cho rằng “Thế là đủ rồi!”.
Để cứu Jeff Hunt – nhà sáng lập Tea 2 Go thoát khỏi khoản nợ 1 triệu USD, Lemonis đã thực hiện ý tưởng “cộng thêm” của mình bằng cách thêm thức ăn vào thực đơn và các sản phẩm phụ có liên quan đến trà.
- Đừng cố gắng nhận nhượng quyền trong lĩnh vực mà bạn không đam mê
Dù bắt tay vào kinh doanh cửa hàng bán trà, Jeff Hunt thừa nhận rằng đây không phải là lĩnh vực mình đam mê và ông cũng không phải là một người thích uống trà. Marcus Lemonis nhấn mạnh: “Khách hàng sẽ nhận biết được khi doanh nhân không có niềm đam mê với doanh nghiệp mình đang vận hành”.