Đệ đơn kháng án, Bảo hiểm AAA vẫn thua kiện

(ĐTCK) Đã thông tin về vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe ô tô giữa Công ty Bảo hiểm AAA và khách hàng là Công ty Vận tải thương mại tổng hợp quốc tế TVL trong bài “AAA ‘gặp hạn’ với bảo hiểm ô tô” ra ngày 6/1. Theo đó, khi chiếc Mercedes Benz S550 của Công ty TVL đi vào đường ngập nước và chết máy, TVL đã khởi kiện yêu cầu Bảo hiểm AAA bồi thường 2,7 tỷ đồng.
Đệ đơn kháng án, Bảo hiểm AAA vẫn thua kiện

Bản án sơ thẩm chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Công ty TVL, buộc Bảo hiểm AAA phải bồi thường. Không chấp nhận phán quyết này, Bảo hiểm AAA đã đệ đơn kháng cáo. Vừa qua TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty TVL giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc Bảo hiểm AAA bồi thường theo đúng tiêu chuẩn hãng Mercedes Benz là thay thế tổng thành máy, thay vì hàn block máy bên ngoài đại lý Mercedes Benz, không có bảo hành, không theo tiêu chuẩn của hãng.

Trong khi đó, phía Bảo hiểm AAA cho rằng, hợp đồng bảo hiểm ngoại trừ trường hợp lái xe cố khởi động lại sau khi bị chết máy do ngập nước.

Để xác định nguyên nhân tai nạn và mức độ tổn thất có nằm trong phạm vi bảo hiểm, hai bên thống nhất mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định. Kết quả, nguyên nhân tổn thất là do xe đi vào vùng ngập nước, nước vào xi lanh trong khi động cơ vẫn đang hoạt động, dẫn đến hư hỏng và không đủ cơ sở đưa ra kết luận xe được khởi động lại sau khi chết máy.

Theo Bảo hiểm AAA, kết luận giám định này không đưa ra được nguyên nhân dẫn đến hư hỏng của xe. Ngoài ra, công văn của Viện Khoa học hình sự không đưa ra kết luận và không đúng hình thức một bản kết luận giám định tư pháp, nên Bảo hiểm AAA phải trưng cầu giám định lại. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Bảo hiểm AAA còn nêu ý kiến, giám định viên Hà Văn San không đủ năng lực giám định do qua tiếp xúc thấy có biểu hiện bệnh Parkinson.

Bảo hiểm AAA đã mời chuyên gia giám định độc lập là TS. Đinh Ngọc Ân thuộc Công ty TNHH Crawford giám định lại. Kết quả, “thiệt hại của động cơ là do thủy kích làm chết máy trong vùng ngập nước có thể phải trải qua hai giai đoạn…, sau đó động cơ có thể được khởi động lại khiến tay biên bị gãy”. Tức là thiệt hại nằm trong điều khoản loại trừ và Bảo hiểm AAA chỉ có trách nhiệm bồi thường 51,3 triệu đồng, trừ đi mức miễn thường còn 48,3 triệu đồng.

Ngoài ra, theo AAA, hợp đồng bảo hiểm không quy định về phí gửi giữ và thuê xe, nên Bảo hiểm AAA không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Hiên, bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn cho rằng, bị đơn không đưa ra được căn cứ nào cho thấy kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự là không trung thực, không khách quan hoặc sai về kỹ thuật nghiệp vụ.

Đối với ý kiến của Bảo hiểm AAA cho rằng qua giao tiếp thấy giám định viên của Viện khoa học hình sự không đủ năng lực giám định do mắc bệnh Parkinson (?), Luật sư Nguyễn Văn Hiên cho rằng, đây là suy đoán thiếu căn cứ. Viện Khoa học hình sự là tổ chức giám định tư pháp công, giám định viên được bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ cụ thể, không thể chỉ qua giao tiếp một lần và ý kiến của người không có chuyên môn y tế mà có thể kết luận. Ý kiến này của Bảo hiểm AAA có thể gây ảnh hưởng uy tín danh dự của tổ chức, cá nhân. Bảo hiểm AAA đã phải xin rút lại ý kiến này.

Sau khi xem xét hồ sơ và kết quả thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX cho rằng, căn cứ theo Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm về giám định thì khi tổn thất xảy ra, nhà bảo hiểm thực hiện giám định. Tuy nhiên, Bảo hiểm AAA không giám định mà thống nhất mời Viện Khoa học hình sự giám định, nên theo quy định, kết luận giám định này là bắt buộc với cả 2 bên.

Về ý kiến cho rằng, Viện khoa học hình sự chỉ trả lời bằng công văn mà không phải kết luận giám định, HĐXX cho rằng, công văn nói trên có đầy đủ nội dung cần kết luận giám định, là văn bản của giám định viên độc lập và có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật giám định. Hơn nữa, kết luận giám định này có trước khi Tòa án thụ lý vụ án nên không phải là giám định tư pháp. Ngoài ra, kết luận giám định của Công ty TNHH Crawford đều luôn mang tính tương đối: “có thể” và không có tính khẳng định.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án đã không xem xét mức miễn thường 3 triệu đồng. Do đó, HĐXX sửa một phần án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty TVL, buộc Bảo hiểm AAA bồi thường số tiền hơn 2,7 tỷ đồng sau khi đã trừ đi mức miễn thường. Bảo hiểm AAA cũng phải nộp 86,7 triệu đồng án phí.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục