Đáng nói là những ngành ghi nhận số doanh nghiệp trở lại tích cực nhất lại là những ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn: đó là bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản.
Khác với doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp trở lại này chính là những doanh nghiệp đã đăng ký tạm dừng hoạt động trước đó. Chắc chắn, sự phục hồi cũng như cơ hội mới của thị trường khả quan hơn trong các tháng cuối năm, cũng như xa hơn đã được các doanh nghiệp nhìn nhận.
Tuy nhiên, cộng đồng kinh doanh đang nhắc nhiều đến hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Quốc hội bàn thảo liên tục trong thời gian hơn 1 tháng của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, cũng như thông điệp tích cực trong điều hành kinh tế của Chính phủ, nhất là cam kết hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để kịp đưa các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, bất động sản… vào thực hiện sớm hơn 5 tháng. Bên cạnh đó là một loạt chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, về thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Dường như, động lực và cả quyết tâm cho quyết định trở lại kinh doanh, dù còn vô vàn thử thách của nhiều doanh nghiệp, đang được vun đắp bởi chính những điều này. Đây cũng là lý do quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp chọn tạm dừng, thay vì rút lui hoàn toàn. Dù vậy, số doanh nghiệp trở lại vẫn khá bấp bênh.
Nếu như tháng 4 có tới 8.307 doanh nghiệp trở lại, chấm dứt 2 tháng giảm sút so với con số 13.799 của tháng 1/2024, thì tháng 5, con số này chỉ còn 6.749 doanh nghiệp. Xu hướng đã cải thiện khi tháng 6, số doanh nghiệp trở lại tăng lên, với 7.532 doanh nghiệp. Cũng có nghĩa, áp lực tiếp tục đặt lên vai các cơ quan hoạch định chính sách, chính quyền địa phương trong nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Lý do là dù tình hình doanh nghiệp đang tốt dần lên, nhưng xét tổng thể, mức độ khó khăn của doanh nghiệp vẫn lớn. Xét trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, có thể thấy sự phát triển doanh nghiệp trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm mạnh. Nếu trong giai đoạn 2018-2022, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thường gấp hơn 2 lần cho tới gần 4 lần so với số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì năm 2023, tỷ lệ này giảm còn 1,3 lần. Và trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Kết quả trên phần nào thể hiện mức độ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời cho thấy sức chống chịu giảm và cơ hội kinh doanh còn hạn chế.
Có thể nhìn thấy qua số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm nay, với mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng tin tốt là trong số này, có trên 71.350 doanh nghiệp chọn phương án tạm dừng kinh doanh (chiếm 64,7%). Số còn lại là doanh nghiệp chờ giải thể và giải thể.
Khi chọn phương án tạm dừng, chấp nhận thực hiện các thủ tục thông báo với các cơ quan có liên quan, chắc hẳn doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị cho phương án trở lại. Không ít doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh ngắn hạn vẫn chờ đợi nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và sự phục hồi của thị trường để quay trở lại hoạt động.
Lúc này, cơ hội phục hồi của thị trường có thể thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới hay trở lại. Nhưng môi trường kinh doanh, niềm tin kinh doanh mới sẽ giữ chân doanh nghiệp dài lâu, thúc đẩy các kế hoạch kinh doanh dài hạn... Hơn lúc nào hết, các giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn cần được coi trọng và thực thi mạnh mẽ, với sự vào cuộc và nỗ lực hơn nữa của tất cả các bộ, ngành, địa phương.