Để blockchain là “một phần cuộc sống”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, để Blockchain đi vào cuộc sống, đem lại giá trị thì ngoài công nghệ cần nắm bắt thêm pháp lý và kinh tế toàn cầu.
Để blockchain là “một phần cuộc sống”

Mặc dù mới thành lập, nhưng hoạt động của VBA rất đa dạng, đặc biệt trong công tác kết nối với các cơ quan quản lý, các tổ chức đầu tư quốc tế và các tổ chức liên quan tới Blockchain trên toàn cầu, các trường đại học… Tại sao VBA lại chú trọng, nếu không muốn nói là quá thiên về các hoạt động kết nối của mình?

VBA thành lập theo Quyết định 343/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 27/4/2022, chúng tôi đã đề ra 6 mục tiêu. Các mục tiêu này sẽ không thể làm được nếu không chú trọng đến sự kết nối. Có 3 hướng kết nối chính, đó là kết nối cộng đồng trong nước, kết nối các cơ quan quản lý tại Việt Nam và kết nối cộng đồng quốc tế.

VBA không coi mình là trung tâm của sự kết nối, mà coi mình là một tổ chức kết nối chia sẻ các giá trị. Rõ ràng, không ai muốn kết nối với bạn nếu bạn không đem lại giá trị. Chúng tôi truyền tải các giá trị trong mạng lưới kết nối của mình, từ các tổ chức giáo dục với nhau, từ các cộng đồng với nhau, từ các cộng đồng tới các cơ quan quản lý, từ các kinh nghiệm quốc tế tới thực tiễn ở Việt Nam... Chính nhờ sự kết nối này, VBA đã thu được rất nhiều giá trị và nó sẽ tiếp tục được lan tỏa, hướng tới 6 mục tiêu mà VBA đã đề ra.

Các thành viên VBA có lẽ quan tâm tới lợi ích của họ thông qua hoạt động kết nối của Hiệp hội. Vậy đâu là kết quả cụ thể tác động tới hoạt động kinh doanh của các thành viên và kế hoạch của VBA thời gian tới là gì?

Thành viên tham gia vào VBA hiện khá đa dạng, đó là các cá nhân và tổ chức hoạt động trong nhiều lĩnh vực truyền thống, công nghệ mới, tư vấn pháp lý, kinh tế tài chính, nghiên cứu chuyên sâu... Trong thời gian qua, kết quả cụ thể là chúng tôi đã đề ra các tiêu chuẩn đánh giá dự án và thử nghiệm cổng thông tin tiếp cận cộng đồng tiếp nhận các thông tin về dự án có tính chất rủi ro tại cộng đồng. Có lẽ, hỗ trợ lớn nhất với các hội viên trong năm vừa qua đó là VBA trao đổi các cơ hội kết nối chính danh của các đơn vị phát triển dự án với các cơ quan quản lý và các đơn vị tư vấn pháp lý.

Có quá nhiều người tại Việt Nam tiếp cận với ứng dụng Blockchain chỉ qua tiền mã hóa, mà không có một phương pháp đánh giá rủi ro, dẫn tới thiệt hại tài chính rất nhiều. Thời gian sắp tới, VBA sẽ thúc đẩy các đơn vị giáo dục và các tiêu chuẩn cộng đồng, công nghệ, cùng các đối tác quốc tế từng bước thay đổi nhận thức tiếp cận nhằm đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp và cá nhân.

Blockchain với đa số người dân vẫn là một khái niệm chưa quen thuộc, nếu có thì chủ yếu tập trung ở cộng đồng game, giao dịch tiền điện tử. Theo ông, việc thay đổi nhận thức người dùng, tạo môi trường phát triển sản phẩm đang diễn ra như thế nào với cộng đồng Blockchain Việt Nam?

Đặc tính toàn cầu hoá của pháp lý và kinh tế trong ứng dụng Blockchain rất cao.

Có lẽ, giai đoạn này, nhận thức của cộng đồng game, giao dịch tiền mã hóa đã hiểu rõ thế nào là lừa đảo, là scam, là ponzi... Hay nói cách khác, qua “mùa đông” tiền số, khi mà bạn mất tiền, bạn sẽ hiểu ra rất nhiều.

Tuy nhiên, do môi trường pháp lý về Blockchain, về tiền số còn lỏng lẻo nên rất nhiều nhóm phát triển dự án đã coi Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền. Điều đáng buồn là không ít người Việt kiếm tiền bằng cách đó. Lúc đầu, đó là những nhóm đa cấp với những dự án trên mây, tạo ra hy vọng làm giàu nhanh. Hiện nay, nguy hiểm hơn là có những nhóm có học thức, thậm chí từng làm việc tại các công ty công nghệ quốc tế hàng đầu, họ thành lập công ty nước ngoài và ngồi tại Việt Nam làm ra các sản phẩm xấu, ảnh hưởng đến các sản phẩm tốt của Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như niềm tin của cộng đồng tại Việt Nam. VBA đã trao đổi với các hiệp hội quốc tế cũng như cơ quan quản lý tại các nước về vấn đề này.

Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, VBA không chỉ mang tới giá trị cho cộng đồng Việt Nam ở một vị thế công nghệ nhỏ bé như nhiều cộng đồng game, tiền mã hóa tưởng tượng, mà đó sẽ là một hiệp hội công nghệ có vị thế công nghệ, nắm bắt công nghệ dẫn dắt cuộc cách mạng 4.0, giúp các doanh nghiệp truyền thống và người dùng đem lại các giá trị thiết thực nhất. Sự ứng dụng của doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực Blockchain mới là thước đo cho các mục tiêu của VBA phải hướng tới.

Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain đang được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, dịch vụ công, giáo dục…

Tại Việt Nam, công nghệ Blockchain đang được ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, dịch vụ công, giáo dục…

Một mục tiêu mà VBA từng đề cập là xây dựng môi trường khởi nghiệp, đưa nhiều start-up lĩnh vực Blockchain Việt Nam đang mở doanh nghiệp ở Singapore trở về trong nước. Việc này được thực hiện như thế nào?

Nói thì dễ, nhưng làm cực khó. VBA chỉ là hiệp hội, không phải là cơ quan ban hành luật. Do đó, chúng tôi tách trách nhiệm này thành 2 việc.

Thứ nhất, chia sẻ với cơ quan quản lý giải pháp thực hiện thế nào nếu cơ quan quản lý lấy đó làm mục tiêu. Thứ hai, chia sẻ những vấn đề cần lưu ý với các bạn trẻ khi mở doanh nghiệp tại nước ngoài như Singapore hay các nước khác có hệ thống luật lệ trong quản lý tài sản số.

Có lẽ, 95% các doanh nghiệp mở ở Singapore chỉ là hình thức offshore, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là lợi ích đem lại. Nhận thức được điều đó, các start-up sẽ có nhiều mô hình tuân thủ pháp lý cũng như hướng tới cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đúng nghĩa hơn.

Nếu nói về tiềm năng và khả năng thì liệu Blockchain có thể thành lĩnh vực công nghệ mũi nhọn cho Việt Nam như ngành bán dẫn thay đổi bộ mặt kinh tế nhiều nước hay không? Nếu làm được thì đâu là khuyến nghị của ông tới Chính phủ, các địa phương, các bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ?

Chúng tôi vừa tham gia khóa học về an toàn thông tin trong ứng dụng Blockchain do Bộ Ngoại giao Mỹ dạy tại Singapore. Tại đó, họ đã đưa chiến lược Blockchain trở thành một chiến lược quốc gia và mô tả nó như một sự cạnh tranh cả về địa chính trị trong tương lai. Họ mô tả các chiến lược Blockchain của Chính phủ Mỹ hay Trung Quốc trong một cạnh tranh trực diện. Tất nhiên, đây là góc nhìn chiến lược mà Mỹ nhận thức sau các bài học về cuộc chiến công nghệ 5G cũng như bán dẫn hay AI. Việc trao đổi, chia sẻ những bài học hay góc nhìn này với các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương được chúng tôi coi là ưu tiên hàng đầu.

Với các bạn trẻ, chúng tôi chỉ có một lời khuyên chân thành rằng, không nên nhìn nhận ứng dụng Blockchain là đơn thuần ứng dụng công nghệ. Công nghệ chỉ là cái nó tuỳ biến, nhưng để đi vào cuộc sống, đem lại giá trị, các bạn cần nắm bắt thêm pháp lý và kinh tế toàn cầu. Đặc tính toàn cầu hóa của pháp lý và kinh tế trong ứng dụng Blockchain rất cao. Lúc ấy, ứng dụng Blockchain sẽ phát huy hết vai trò của nó.

Hồng Dung thực hiện.
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục