Vấn đề này được Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành đưa ra tại buổi tọa đàm “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP. Thủ Đức – Thành phố sáng tạo", tổ chức vào ngày 4/9.
Các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm (ảnh: Trọng Tín) |
Phải xác lập được một chính quyền đô thị mới
Ông Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị học cho rằng, hiện nay, Đề án Thành lập Thành phố Thủ Đức đang được lãnh đạo TP.HCM trình Trung ương xem xét. Vì vậy, để hoàn chỉnh để trình cho Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội các bộ ngành, TP.HCM đang có chương trình trưng cầu ý kiến, hiến kế, phản biện từ các nhà khoa học và các chuyên gia đảm bảo thành công khi trình đề án, rút kinh nghiệm từ đề án chiến lược đô thị 2013.
Ông Hòa cho rằng, để xây dựng được hoàn chỉnh đề án, vấn đề cần quan tâm là tính pháp lý; tổ chức không gian; văn hoá xã hội; kinh tế tài chính và lộ trình để hình thành Thành phố Thủ Đức.
“Làm thế nào để mô hình Thành phố trong Thành phố được Quốc hội thông qua và vận hành dễ dàng trong tương lai? Bởi hiện nay, mô hình Thành phố trong Thành phố chưa có ở Việt Nam, chúng ta có thị trấn, thị xã, thành phố trong các đơn vị của tỉnh, chứ chưa có mô hình này”, ông Hòa nói và cho rằng, nếu không cẩn thận sẽ là quận lớn từ 3 quận hợp lại và chỉ mang tên là thành phố cho oai, thực chất hoạt động lại như cơ chế của quận", ông Hòa cho biết.
Một vấn đề được ông Hòa đưa ra là tên gọi “Thành phố Thủ Đức”.
“Hiện nay, tạm gọi nhưng nếu Quốc hội thông qua thì không thể tạm được. Có hai mô hình, thứ nhất mô hình Thành phố trong tỉnh, thứ hai mô hình vùng. Nếu cứ gọi là Thành phố trong Thành phố thì rất khó”, ông Hòa nêu băn khoăn.
Một vấn đề quan trọng là Khu đô thị mới Thủ Thiêm có nên nhập về Thủ Đức không? Theo Quyết định 367 ban hành năm 1996, Thủ Thiêm là trung tâm động lực mới của TP.HCM, giờ cắt về thành phố mới có ổn không?
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), cho rằng, Thành phố mới cần có một thị trưởng, một ê kíp điều hành, quản lý Thành phố và đặc biệt phải có quyền quyết định thì mới bắt kịp cơ hội.
“TP.HCM phải đề xuất với Quốc hội thành lập một khu kinh tế đặc biệt nằm trong TP.HCM, hoặc xác lập một Thành phố chính quyền đô thị độc lập”, ông Hải nhấn mạnh.
Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, muốn thành lập Thành phố Thủ Đức thì cần có một môi trường pháp lý mới, cần chính sách pháp lý độc lập; hoặc có thể phát triển một khu kinh tế đặc biệt, quản lý làm sao để dòng vốn ngoại có thể chuyển vào dễ dàng, chế độ visa lao động thuận lợi, được đánh thuế riêng, quản lý bảo mật thông tin…
Đồng thời, ông Thơ cũng lưu ý, nên đưa đề án thành lập thành phố phía Đông với tên gọi tạm đặt là Thành phố Thủ Đức vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ Thành phố sắp tới.
“Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm của cả nước và TP.HCM sẽ là toạ độ địa lý để thực hiện ý chí đó, tham vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2030”, Giáo sư Thơ nhấn mạnh.
“Thành phố Thủ Đức phải là nơi đáng sống”
Nhìn nhận dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang Corporation cho rằng, đây sẽ là yếu tố kích thích phát triển thị trường và các sản phẩm bất động sản tại khu vực này.
Chính vì vậy, rất cần những sản phẩm bất động sản có những giá trị và phẩm chất phù hợp với những kỳ vọng và viễn cảnh tương lai của Thành phố. Thành lập Thành phố Thủ Đức là cơ hội để áp dụng những chiến lược phát triển đô thị bền vững, những công nghệ thân thiện và bền vững với môi trường và cộng đồng.
TP.HCM mong muốn bảo vệ với Trung ương để thành lập thành phố trong thành phố. Được hay không thì chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu phát triển khu vực này bền vững, biến Thành phố Thủ Đức thành nơi đáng sống dù với tên gọi thế nào.
Tuy nhiên, bà Mẫu cũng lưu ý, nên quy hoạch Thành phố Thủ Đức nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh, không chỉ đơn giản là gom ba quận thành một theo cơ sở địa giới hành chính.
“Thành phố Thủ Đức muốn trở thành động lực phát triển kinh tế, có chất lượng tri thức và đời sống cao, thì cần có quy hoạch cấu trúc chiến lược cho toàn vùng bao gồm cả TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đô thị lân cận”, bà Mẫu nói.
Một vấn đề nữa cũng được bà Mẫu đưa ra là hạ tầng cần được ưu tiên hàng đầu. Phát triển một thành phố phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP.HCM hiện đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng.
“Thành phố sáng tạo và thành phố công nghệ không thể là thành phố suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để trở thành Thành phố sáng tạo, có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế”, bà Mẫu góp ý.
Giải thích về việc lấy tên gọi Thành phố Thủ Đức để đặt tên cho Đề án, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đề án xây dựng tạm gọi là Thành phố Thủ Đức khi trình lên Chính phủ lấy tên như vậy vì trước đây 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 cũng được tách ra từ huyện Thủ Đức.
“Tên gọi chính thức như thế nào chắc còn phải cần nhiều thời gian lắng nghe, trao đổi cũng như hàng loạt các thủ tục khác”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, thành phố Thủ Đức là khu có vị trí hết sức đặc biệt, nằm lõi giữa một chuỗi các đô thị. Về khoa học, hiện tại đã và đang có khu đô thị đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, có khu công nghệ cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong tương lai, Phúc Khang vẫn tiếp tục phát triển thêm nhiều công trình xanh phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị bền vững của Thành phố. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng quá trình hiện thực hóa những giá trị sinh thái ấy cho cộng đồng Thành phố Thủ Đức và cung cấp giải pháp hoàn chỉnh cho tất cả các yếu tố chất lượng của cuộc sống xanh bền vững.
Dựa trên lợi thế hiện nay, rõ ràng khu đất với trên 212 km2, tạm gọi "Thành phố Thủ Đức" là nơi có thể đặt kỳ vọng. Nguồn lực để phát triển khu này từ nhà nước, xã hội, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Nguồn lực đó sẽ đến được nếu như TPHCM có lộ trình, kế hoạch tốt, hợp lý.
“Lộ trình phát triển như thế nào còn rất nhiều vấn đề nhưng đích đến cuối cùng là sau này chúng ta nói được rằng, nơi mà chúng ta tạm gọi là Thành phố Thủ Đức phải là một nơi rất đáng sống, chất lượng sống rất cao, môi trường sống thân thiện, năng suất lao động cao”, ông Đức nói và nhấn mạnh, nếu chúng ta nói toàn những lời mỹ miều nhưng kết quả không tốt thì cũng trở thành vô ích, thậm chí là có hại.
Ông Đức cho rằng, dù đề án này có được Chính phủ thông qua hay không thì mục tiêu quan trọng nhất của TP.HCM là tạo một môi trường sống thật tốt cho người dân thành phố, tạo ra cơ chế để có thể phát triển tốt nhất của khu vực đặc biệt này vì nó có vị trí địa lý, có giá trị về lịch sử, giá trị về văn hoá...
"Hiện nay TP.HCM mong muốn bảo vệ với Trung ương để thành lập thành phố trong thành phố, nhưng với cá nhân tôi được hay không được thì cuối cùng chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu phát triển khu vực này phát triển, phát triển bền vững, đáng sống dù với tên gọi như thế nào", ông Đức khẳng định.