ĐBSCL: Tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện còn thấp
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến ngày 31/8/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 14.299.918 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,9% so với dân số vùng. Trong đó, có 7 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang.
Cũng trong 8 tháng đầu năm 2017, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 21.794 người, tăng 2% so với năm 2016. Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với số đối tượng tiềm năng của vùng ĐBSCL.
Ông Thắng cũng cho biết, nguyên nhân khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL còn thấp so với tiềm năng của vùng, là do công tác tuyên truyền chính sách chưa phù hợp với đặc thù vùng miền; tại một số tỉnh chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; do đặc điểm tích cách của cư dân vùng ĐBSCL không có thói quen căn cơ, tích cóp...
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Nguyên nhân ở đây có lẽ do chính chúng ta đã không làm chuyển biến được nhận thức của người dân, để người dân thấy được hệ thống an sinh xã hội của nước ta, mà cụ thể ở đây là chính sách BHXH, BHYT sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau”.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở KCB phải tăng cường hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cũng như thái độ phục vụ người dân, người tham gia.
Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT, ông Lợi yêu cầu Bộ Y tế trong năm nay phải xây dựng và đưa ra được “Gói dịch vụ y tế cơ bản” được chi trả từ quỹ BHYT cho người dân. “Đây cũng là biện pháp đẩy mạnh sự phát triển của y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình chăm sóc sức khoẻ”, ông Lợi nhấn mạnh.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện BHYT, BHXH tự nguyện tại Vĩnh Long, đại diện BHXH tỉnh cho biết, với điểm xuất phát độ bao phủ BHYT, BHXH tự nguyện thấp, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.
Theo đó, tính đến ngày 31/8/2017, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt 74,57% dân số, trong đó, số hộ gia đình tham gia đạt 256.677 người, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, đối với chính sách BHXH tự nguyện, người dân vẫn chưa thực sự mặn mà.
Phấn đấu… mỗi năm vận động thêm 2-3 hội viên, nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện
Mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số. Đây là một thách thức lớn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý đã khẳng định, riêng đối với Hội Nông dân 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra, cần phấn đấu bình quân mỗi năm vận động thêm 2-3% hội viên, nông dân tham gia BHYT; đồng thời, phấn đấu mỗi năm vận động được 2-3% lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng đưa ra một số giải pháp để đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung về BHXH, BHYT được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 21.
Cụ thể, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Đồng thời, ngay trong cuối năm nay, BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương.
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Thêm vào đó, chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các Đại lý thu BHXH tại các địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT, nhất là ban hành những quy định để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền lợi mà người tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng.