Quy về một mối
Tuy thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đến thời điểm này vẫn chưa hé lộ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần cũng như lộ trình triển khai, song nhiều người cho rằng, mọi việc xem như đã hoàn tất. Trên thực tế, không ít cổ đông của Sacombank đã phản đối gay gắt việc sáp nhập Southern Bank, vì đây là ngân hàng nhỏ, thuộc diện yếu kém, có nợ xấu cao, việc sáp nhập sẽ kéo lùi Sacombank. Tuy nhiên, HĐQT Sacombank khẳng định, đây được xem là phương án khả thi, nên sau khi được ĐHCĐ thông qua chủ trương, Ngân hàng đã và đang đẩy mạnh việc hoàn tất đề án sáp nhập để trình NHNN xem xét thông qua.
Hiện cá nhân ông Trầm Bê và người thân sở hữu tỷ lệ vượt 20% cổ phần Southern Bank và trên 6% cổ phần tại Sacombank, nên việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank đã được ấn định để chống sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.
Trong một động thái tương tự, Maritime Bank cũng chuẩn bị sáp nhập MeKong Bank để giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa hai ngân hàng, khi Maritime Bank đang nắm giữ trên 10% cổ phần tại MeKong Bank. Khi sáp nhập, Maritime Bank cũng sẽ mua lại 20% cổ phần của FFH (đối tác chiến lược nước ngoài của MeKong Bank).
Không chỉ với 2 thương vụ trên, theo một nguồn tin đáng tin cập, tới đây, sẽ có thêm thương vụ sáp nhập giữa hai ngân hàng có cùng cổ đông lớn là một đơn vị nhà nước. Trong đó, ngân hàng lớn có vốn điều lệ khoảng 6.000 tỷ đồng và nhà băng còn lại có vốn trên 3.000 tỷ đồng, ngân hàng sau sáp nhập sẽ tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, một trong những cái được sau 2 năm tái cơ cấu ngành đó chính là giảm được tỷ lệ sở hữu chéo, củng cố thanh khoản. “Sở hữu chéo vốn dĩ không xấu nếu sử dụng đúng quy định và chừng mực, nhưng do trong thời gian qua, đã có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng sở hữu chéo để tư lợi, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về nợ xấu”, vị này nói.
Sở hữu chéo sẽ giảm?
Vị lãnh đạo cấp cao trên cũng thừa nhận, sở hữu chéo tăng lên trong hệ thống ngân hàng trước đây là do sức ép tăng vốn pháp định của các NHTM theo quy định, các cổ đông không có năng lực góp vốn đã góp vốn bằng tiền ảo và việc đẩy mạnh M&A các ngân hàng cũng như hối thúc ngân hàng nhỏ phải sáp nhập vào ngân hàng khác cũng nhằm khắc phục tình trạng này.
Sở hữu chéo và tình trạng vốn ảo của các ngân hàng được các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đánh giá là đang đe dọa tính an toàn của hệ thống, nhưng hứa hẹn sẽ được giải quyết tận gốc với dự thảo thông tư thay thế Thông tư 13/2010 của NHNN quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD sắp được ban hành.
Theo đó, Điều 11 của Dự thảo Thông tư quy định rõ, TCTD không được cấp tín dụng không có đảm bảo (tín chấp), với điều kiện ưu đãi cho “người nhà”, gồm có: các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán ngân hàng; kế toán trưởng, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, người thẩm định - xét duyệt cấp tín dụng, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng hoặc công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát. Đồng thời, Dự thảo cũng yêu cầu các TCTD phải báo cáo ĐHCĐ, chủ sở hữu và đặc biệt là phải báo cáo với NHNN về các khoản tín dụng (có thế chấp) cấp cho các đối tượng này.
Để tránh tình trạng gia đình hóa cùng lúc nhiều TCTD khi các cổ đông sáng lập với vợ, chồng, con, cháu... đồng sở hữu lượng cổ phần lớn tại nhiều ngân hàng khác nhau, Dự thảo cũng quy định tổng dư nợ cấp cho cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và các bên liên quan không quá 5% vốn điều lệ, không được vượt quá phần vốn góp của những người đó.
Để giải quyết tình trạng vốn đầu tư ảo vào ngân hàng, dự thảo mới lần đầu tiên đưa ra quy định các ngân hàng phải báo cáo NHNN về vốn chủ sở hữu 6 tháng/lần. Vốn chủ sở hữu được tính trên nguyên tắc đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Nếu vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, các ngân hàng phải có ngay phương án khắc phục và báo cáo NHNN. Trường hợp vốn chủ sở hữu xuống dưới 80% vốn pháp định, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc đình chỉ một số mảng hoạt động của ngân hàng.