Đẩy mạnh kích cầu tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Xét các điều kiện cả trong nước và quốc tế, trong năm 2024, nhiều khả năng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Dự kiến duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm do sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 từ IMF đã được điều chỉnh tăng 0,1% so với ước tính trước đó nêu trong Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 1/2024, phần lớn là bởi điều chỉnh tăng đáng kể trong triển vọng tăng trưởng của Mỹ. IMF cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế đang bị trì hoãn do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, bất ổn địa chính trị, cũng như các chính sách tiền tệ thắt chặt và sự cắt giảm hỗ trợ tài chính ở các nước lớn. Theo các nhà kinh tế, sẽ cần thêm thời gian để các nước có thể đạt được mục tiêu ổn định giá.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh - Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh - Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Trong đó, dù đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, song kinh tế Trung Quốc vẫn không thể tìm lại được đà phục hồi và tiếp tục suy yếu. Những lo ngại về sự sụt giảm kéo dài trên thị trường bất động sản Trung Quốc và gánh nặng nợ gia tăng của chính quyền địa phương dự kiến sẽ gây áp lực giảm cho sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2024.

Là nền kinh tế có độ mở khá lớn với xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 100% GDP, kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhất là từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc. Trong năm 2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,05% do nhu cầu bên ngoài chậm lại, nhưng dự kiến sẽ tăng trưởng 5,8% vào năm 2024 và xuất khẩu sẽ cải thiện so với năm 2023.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, kinh tế Việt Nam dần cho thấy sự phục hồi với mức tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự gia tăng trong xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất khi nhu cầu bên ngoài phục hồi. Mặc dù xuất khẩu trong tháng 4 giảm so với tháng 2, nhưng vẫn tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và duy trì mức tăng trưởng hai con số. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tháng 4 là 19,9%, cao hơn tháng trước (9,7%) và cao hơn dự kiến (16,4%).

Chính sách tiền tệ của Việt Nam đi ngược với xu hướng thế giới trong năm 2023 khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, tiếp tục tăng lãi suất, trong khi NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Hiện các nước lớn này đã kết thúc đợt tăng lãi suất, Việt Nam được dự đoán sẽ giữ quan điểm thận trọng về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành do dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh trong năm 2022 và áp lực mất giá của đồng Việt Nam tăng cao. Khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao.

Mặc dù thị trường tài chính có thể có những diễn biến khác so với dự kiến trong năm 2024, nhưng xu hướng của đồng Việt Nam có thể thay đổi tùy thuộc vào xu hướng của đồng USD với chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), xu hướng của đồng nhân dân tệ trước rủi ro tháo gỡ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc và các sự kiện bầu cử toàn cầu liên quan đến rủi ro địa chính trị.

Mặc dù vậy, xét đến sự sụt giảm của giá cả trong nước và các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ, NHNN dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024. Ngoài ra, các điều kiện bên ngoài cũng thuận lợi cho việc giảm lãi suất như khả năng Fed cắt giảm lãi suất và triển vọng áp lực tăng trái phiếu chính phủ chững lại.

Chúng tôi dự đoán, nửa cuối năm sẽ là thời điểm NHNN cắt giảm lãi suất sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN không còn nhiều khi áp lực tỷ giá vẫn đang lớn và xét đến khả năng tăng trưởng tín dụng trong nước, tốc độ giảm lãi suất cũng sẽ bị hạn chế.

Bất động sản đang hồi phục sẽ hấp thụ tốt nguồn vốn tín dụng

Bất động sản đang hồi phục sẽ hấp thụ tốt nguồn vốn tín dụng

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm xuống mức tương đương thời kỳ trước dịch Covid-19, khiến việc cắt giảm thêm khó có thể xảy ra và thực tế, lãi suất huy động đã tăng trở lại trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, mức biến động của lãi suất tiết kiệm trong năm 2024 sẽ không đáng kể so với mức hiện tại. Mặc dù vậy, trừ khi sức hấp dẫn đầu tư của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tăng lên, nguồn vốn có thể sẽ được duy trì ở dạng tiền gửi tiết kiệm.

Với tín dụng, trong năm 2023, kinh tế suy yếu khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh, nhưng nhờ các chính sách giảm lãi suất của NHNN và các ngân hàng thương mại nên tín dụng tăng mạnh trong quý IV và đạt mức tăng 13,8% vào cuối năm 2023. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực bơm vốn cho nền kinh tế bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục và hạ lãi suất.

Xét đến việc tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm 2023, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay bổ sung để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024.

Theo chúng tôi, xét đến việc tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm 2023, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ thông qua việc cắt giảm lãi suất cho vay bổ sung để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, trước hết cần có sự hỗ trợ của chính sách để đáp ứng kỳ vọng của các ngân hàng, vốn đang trở nên thận trọng trong việc cho vay khi nợ xấu gia tăng.

Các điều kiện tiên quyết để tín dụng tăng tốc là nhu cầu vốn từ các cá nhân và doanh nghiệp phải tăng do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam tăng lên; sự phục hồi của ngành bất động sản, vốn chiếm hơn 20% tốc độ tăng trưởng tín dụng; ngân hàng có thể tăng cường cho vay trung và dài hạn (hiện tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm); các chính sách hỗ trợ trước tình trạng nợ xấu gia tăng của các tổ chức tài chính (bất động sản chiếm 70% tài sản đảm bảo cho vay của ngân hàng có bán được hay không).

Nhìn chung, kinh tế năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023. Tỷ lệ thành lập công ty mới trong năm 2023 tăng khoảng 7% so với năm 2022 và cao hơn mức trung bình trong 6 năm qua. Bốn tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao, vượt ngưỡng trung bình 2 năm gần đây và là mức cao nhất từ trước tới nay. Nếu sự ổn định của thị trường bất động sản và các chính sách về xử lý nợ xấu được hỗ trợ, cùng với sự dần phục hồi của xuất nhập khẩu, nhu cầu vốn của các công ty sẽ tăng trong năm 2024, kéo theo tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với năm 2023.

Một yếu tố khác cũng tác động tới tăng trưởng tín dụng là đầu tư công. Năm 2023, phân bổ ngân sách đầu tư công là 726.700 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022. Với những nỗ lực của Chính phủ nhằm khuyến khích chi tiêu đầu tư công, giải ngân đạt 73,5% kế hoạch, ở mức 580.000 tỷ đồng. Dự kiến, phân bổ chi đầu tư công năm 2024 là 600.000 tỷ đồng và giải ngân sẽ đạt kết quả tốt so với năm trước nhờ các dự án đã hoàn thành quá trình đầu tư. Trên thực tế, tốc độ lựa chọn nhà thầu và trao hợp đồng đã tăng nhanh, việc khai thác mỏ đất và mỏ đá mới được cấp phép và giá vật liệu xây dựng giảm. Bộ Tài chính cũng khuyến nghị cần nhanh chóng chi tiêu quỹ đầu tư công nên tốc độ chi tiêu đầu tư công năm nay dự kiến sẽ tăng nhanh hơn so với năm trước và nhu cầu tín dụng liên quan cũng dự kiến tăng.

Đến hết tháng 4/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,41% kế hoạch năm. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều có sự khởi sắc, nhưng tiến độ giải ngân vẫn chưa đạt như kỳ vọng nên cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cuối cùng, với tỷ lệ lạm phát ở mức 4,4%, gần với mức cao nhất trong mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% của Chính phủ, cần phải có các bước chuẩn bị cho tình trạng suy giảm đà tăng trưởng kinh tế nếu biến động bên ngoài gia tăng trong tương lai do thị trường quốc tế vốn có sức ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam.

Pyon Young Hwan
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục