Đây là lý do GDP tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp Việt vẫn chậm lớn

(ĐTCK) Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam trong những năm gần đây tương đối khả quan, bình quân trên 6,5%/năm, nhưng thể trạng doanh nghiệp yếu và đuối dần ở mọi khu vực.
Đây là lý do GDP tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp Việt vẫn chậm lớn

Quan điểm trên được đưa ra tại Hội nghị đầu tưu năm 2017 do tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức ngày 21/11.

Theo ông Thiên, kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng theo ngành từ khai thác tài nguyên sang công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch - dịch vụ. Bên cạnh đó, xu thế khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ngày càng lan rộng. Chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm và cho thấy những tín hiệu tích cực.

Theo đó, Chỉ số sáng tạo toàn cầu GII 2017, Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 47 trên tổng số 127 quốc gia. Thêm vào đó, sự gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trong 2 năm vừa rồi sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 100.000 doanh nghiệp mới thành lập, kỳ vọng cả năm 130.000, đi kèm đó là vốn đầu tư từng doanh nghiệp bỏ ra tăng dần.

“Nhìn chung, GDP tăng trưởng tốt, nhưng cơ cấu ít thay đổi, nền kinh tế chậm trưởng thành khiến doanh nghiệp Việt chậm lớn, khó lớn”, ông Thiên cho hay.

Đây là lý do GDP tăng trưởng khả quan, doanh nghiệp Việt vẫn chậm lớn ảnh 1

TS.Trần Đình Thiên trình bày tại hội nghị. 

Theo ông Thiên, thể trạng doanh nghiệp yếu và đuối dần ở mọi khu vực. Cụ thể, năm 2007, 77% doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì đến năm 2016 tỷ lệ này chỉ còn 33%. 

Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp có xu hướng giảm đối ở tất cả các thành phần.

Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5%, thì đến năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%. 10 tháng đầu năm, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo ít, chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trong lĩnh vực bất động sản, tăng tới 62,5%.

Ông Thiên lý giải, sở dĩ GDP tăng trưởng cao (6,5%/năm) mà nền kinh tế vẫn chậm lớn, bởi vì chi phí vốn quá cao, nợ công tăng; tín dụng tăng 15-18%/năm, trong khi lãi suất, chi phí logistic, chi phí giao dịch cao bậc nhất thế giới, chiếm hơn 20% GDP quốc gia.

Dù vậy, theo ông Thiên, cách tiếp cận chính sách tín dụng hiện nay một mặt giải quyết nợ xấu và theo hướng hạ lãi suất không nên là hướng lâu dài, mà cần tạo cơ chế để doanh nghiệp và ngân hàng có những điều chỉnh phù hợp. 

Với bối cảnh hiện nay, ông Thiên cho rằng, Việt Nam đứng trước áp lực phải thay đổi cách tiếp cận mới thích ứng với thời đại.

“Doanh nghiệp phải tạo áp lực cho Chính phủ trong việc thay đổi chính sách. Đó là việc làm ủng hộ Chính phủ. Khi đối mặt với toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, mọi chuyện không phải diễn ra từ từ mà đang ập đến, đòi hỏi tư duy quản trị và điều hành doanh nghiệp phải thay đổi”, ông Thiên nói.

Đông quan điểm, ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha cho rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở dòng vốn cho doanh nghiệp. Tiền vốn như máu của doanh nghiệp, nhưng với chính sách tiền tệ hiện nay máu không chảy vào cơ bắp, mà tiềm ẩn nguy cơ tạo cú sốc.

"Hiện nay, dòng vốn tập trung vào các doanh nghiệp lớn, đầu tư công, bất động sản, chứ không tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất", ông Loan nói.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục