Doanh nghiệp làm ăn chân chính thì rất lâu giàu, lâu lớn!

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái hẳn không an lòng khi phải nói rằng, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì rất lâu giàu, lâu lớn.
Khaisilk được nêu như một ví dụ "nhanh giàu, nhanh lớn" Khaisilk được nêu như một ví dụ "nhanh giàu, nhanh lớn"

Ông Đoàn nói câu này khi được nhận được câu hỏi tại sao doanh nghiệp Việt Nam khó lớn của chủ tọa phiên thảo luận về kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế (tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017: Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức cuối tuần trước).

Nhưng điều này lại là thực tế không thể né tránh, thậm chí càng rõ ràng hơn khi ông Đoàn đặt vấn đề này vào đúng tâm điểm của vụ thương hiệu Việt Khaisilk bị phát hiện gian dối.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thậm chí còn cho rằng, nếu nhìn vào các rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân, việc doanh nghiệp chọn con đường giàu nhanh, giàu xổi là dễ hiểu.

“Vấn đề quản trị nội bộ yếu, tầm nhìn hạn hẹp của doanh nghiệp là có, nhưng chúng tôi nhìn thấy 5 rào cản lớn trong môi trường kinh doanh Việt Nam, cũng là lý do doanh nghiệp khó lớn, thậm chí không muốn lớn. Đó là gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật; rủi ro pháp lý; rủi ro trong thực hiện quyền tài sản; chính sách cạnh tranh kém và quản trị doanh nghiệp yếu”, ông Hiếu phân tích.

Vấn đề nằm ở chỗ, những rào cản này phần lớn xuất phát từ cả sự chưa hoàn thiện của luật pháp, chính sách lẫn sự thiếu nhất quán trong thực thi.

Tạm chưa bàn tới các quy định khác, chỉ riêng hai nghị quyết được nhắc tới với tần xuất và kỳ vọng rất lớn sẽ tạo nên đột phá trong môi trường kinh doanh trong 4 năm trở lại đây, đó là các phiên bản của Nghị quyết 19/NQ-CP (về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cảm nhận được.

5 rào cản lớn trong môi trường kinh doanh Việt Nam là gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật; rủi ro pháp lý; rủi ro trong thực hiện quyền tài sản; chính sách cạnh tranh kém và quản trị doanh nghiệp yếu.
- Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông Hiếu đã kể một sự việc của một doanh nghiệp nhập thuốc về để điều trị một đợt dịch bệnh ở Việt Nam, nhưng thay vì chờ 3 ngày để thông quan theo đúng quy định pháp luật, vì một lý do hành chính nào đó, lô hàng bị ách tắc 7-15 ngày. Hàng về không bán được do đã hết dịch.

“Sự khó tiên liệu được về thực thi thủ tục hành chính đang tạo ra rủi ro rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Nhưng, cũng phải thẳng thắn, các nghị quyết trên mới chỉ tập trung vào việc cắt giảm thời gian và chi phí trong thực thi các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho khâu gia nhập thị trường - bước khởi đầu của chu trình kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, an toàn tài sản đang là một thách thức vô cùng lớn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, xét mức độ an toàn về bảo vệ quyền tài sản theo một tổ chức đánh giá 128 quốc gia thì Việt Nam đứng ở thứ 88. Mức độ bảo vệ quyền tài sản của Việt Nam chỉ hơn Nepal, Pakistan, Bangladesh và Myanmar - là 4 quốc gia mà theo ông Hiếu không nên so sánh về mặt thể chế.

Bên cạnh đó, mức độ bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ phát minh sáng chế cũng còn rất yếu. Các chỉ số về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh của Việt Nam cũng còn rất thấp, hiện đứng thứ 78/138 quốc gia về chống lạm dụng độc quyền.

“Trong bối cảnh này, doanh nghiệp làm thế nào để lớn?”, ông Hiếu đặt ngược vấn đề.

Giải pháp rõ, nhưng vẫn khó thực thi

Thông thường, khi nhận diện các khúc mắc, việc đưa ra các giải pháp gần như không còn rào càn. Các chuyên gia kinh tế khi bàn thảo về các giải pháp tháo gỡ rào cản cho môi trường kinh doanh Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm này, nghĩa là giải pháp không phải là vấn đề lớn.

Thậm chí, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia ngay phần giải pháp.

Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường chia sẻ, ông đã từng viết  “tâm thư” gửi Thủ tướng kêu về thủ tục hành chính trong nước. 

“Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng, tôi nói rằng, chúng tôi có 2 dự án đầu tư gần 200 tỷ đồng, thời gian xây dựng chỉ khoảng 6 tháng, nhưng thủ tục hành chính tới 7 tháng vẫn chưa xong, chủ yếu do xin giấy phép xây dựng”, ông Thắng nói.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Damsan (Thái Bình) thì chia sẻ giải pháp ngay trong nhận định sáng sủa khi đánh giá 5 năm trở lại đây môi trường kinh doanh đã được cải thiện.

“Ở Thái Bình, UBND tỉnh và các ban ngành đã vào cuộc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian giảm 30%, hồ sơ giấy từ giảm 15%”, ông Đông chia sẻ thông tin.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Hiếu cho rằng, ưu tiên vẫn là hoàn thiện chính sách.

“Chúng tôi khuyến nghị ưu tiên số một là cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai để doanh nghiệp dễ tiếp cận và tăng cường đảm bảo tài sản; thứ hai, là phải tăng cường các chế tài nhằm thực thi sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giả”, ông Hiếu đề xuất. 

Quan điểm của ông Hiếu là nếu các doanh nghiệp không an tâm làm ăn bằng năng lực, trí tuệ của mình, không an tâm cạnh tranh thực sự bình đẳng thì rất khó thúc đẩy họ làm ăn chân chính, làm giàu chân chính.

Thậm chí với vụ phát lộ giả sản phẩm made in Việt Nam của Khaisilk, thì sự không an tâm trong môi trường kinh doanh còn là đất tốt cho những phi vụ, cách thức làm ăn bất chính…

Anh Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục