Kiến nghị giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Nền kinh tế vẫn cần có những giải pháp hỗ trợ tiếp theo trong năm 2010 nhằm phục hồi một cách vững chắc, đó là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn nên kéo dài hỗ trợ lãi suất nhưng ở mức lãi suất thấp hơn hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn nên kéo dài hỗ trợ lãi suất nhưng ở mức lãi suất thấp hơn hiện nay.

Các giải pháp kích thích kinh tế tiếp trong năm 2010 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân theo 4 nhóm chính sách thuộc gói kích cầu đang triển khai hiện nay.

 

Cụ thể, về chính sách tiền tệ, tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, nông dân và các hộ nghèo, nhưng sẽ giảm mức lãi suất hỗ trợ thấp hơn mức hiện nay (4%).

 

Đồng thời, cơ chế cho vay cần đơn giản hơn, giảm bớt thủ tục, nhất là đối với các hộ nông dân.

 

Việc kéo dài cơ chế ưu đãi này chỉ áp dụng đối với các khoản vay vốn trung và dài hạn dành cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất theo Quyết định số 443, các khoản vay mua máy móc thiết bị nông nghiệp theo Quyết định số 497 của Thủ tướng và các khoản vay vốn dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 579, Quyết định 92.

 

Đối với các khoản vay lưu động,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục theo dõi thêm tình hình do tăng trưởng tín dụng đang cao, chỉ số giá chưa ổn định. Theo Quyết định 131, hỗ trợ khoản vay này sẽ kết thúc vào 31/12 năm nay.

 

Liên quan đến chính sách thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong năm 2010, không kéo dài việc miễn giảm các sắc thuế bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí.

 

Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng thuế do dồn kỳ nộp thuế từ năm 2009, Bộ đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 tháng trong đầu năm 2010. Đồng thời, các biện pháp hoàn thuế, giãn thuế đối với thuế nhập khẩu vẫn nên triển khai tiếp như năm 2009.

 

Nhóm giải pháp thứ 3 là tiếp tục tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho các dự án đầu tư cấp bách.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa thu hồi các khoản vốn ứng trong năm 2009 của các bộ, ngành, địa phương. Trước mắt, cho sử dụng khoản vượt thu năm 2008, 2009 và bội chi tăng thêm của năm 2009 để thanh toán các khoản tạm ứng. Bộ này sẽ phối hợp Bộ Tài chính thu hồi dần các khoản ứng trước từ ngân sách này vào các năm tiếp theo.

 

Số vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách nhà nước nếu đến 30/11/2009 chưa thực hiện hết, sẽ điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác. Riêng 20 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ  bổ sung, mới được giao trong tháng 8 vừa qua, chưa thể giải ngân hết trong năm nay nên Bộ đề nghị cho phép thực hiện tiếp đến hết tháng 6/2010.

 

Trong phiên họp hôm 2/10, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần kết thúc đúng hạn gói kích cầu thứ nhất. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng e ngại việc kéo dài hỗ trợ lãi suất sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho doanh nghiệp vào Nhà nước.

 

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ về việc quản lý, sử dụng gói kích cầu, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ nền kinh tế cần có bước chuyển hoá mềm để môi trường kinh doanh trở về trạng thái bình thường.

 

Nền kinh tế Việt Nam năm 2010 có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, nhưng dự báo phải đến năm 2011, Việt Nam mới có thể lấy lại đà tăng trưởng cao như thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế thế giới, Bộ nhấn mạnh.

 

Tính đến nay, qui mô gói kích thích kinh tế của Việt Nam vào khoảng 122.000 tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD. Ước tính năm nay, chúng ta sẽ sử dụng hết khoảng 100.600 tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ USD. Số còn lại sẽ sử dụng hết trong năm 2010.

 

Tính đến 24/9, vay vốn lưu động đạt trên 405.000 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư đạt trên 34.000 tỷ đồng, giải ngân tín dụng được bảo lãnh qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt trên 10.000 tỷ đồng.

 

Tính đến 31/8, trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân đã được hưởng ưu đãi về thuế. Trong đó, trên 36.000 doanh nghiệp được giảm 30% thuế TNDN, 42.000 doanh nghiệp được giãn nộp thuế TNDN và 47.000 doanh nghiệp được giảm 50% thuế.

 

Tổng vốn ứng trước ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư khoảng 37.100 tỷ đồng, trong đó, vốn ứng trước trong gói kích thích kinh tế khoảng 21.100 tỷ đồng.


VNN

Tin cùng chuyên mục