Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đã cho biết về tình hình thu hút vốn ODA tại địa bàn Tây Nguyên. Cụ thể, tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm 2011-2014 của các tỉnh Tây Nguyên là 409,9 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp...
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, so với các khu vực khác trong cả nước, điều kiện kinh tế xã hội của Tây Nguyên có nhiều khó khăn thu hút FDI do thiếu lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống còn thấp. Tuy nhiên, với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tính lũy kế đến 31/12/2014, khu vực đã có tổng số 148 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD (thấp hơn so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD).
Ở góc độ hệ thống ngân hàng, ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN chia sẻ, nguồn vốn huy động tại chỗ trong các năm qua mới chỉ đáp ứng được 57,5% tổng nhu cầu vốn của các địa phương trong khu vực. Vì vậy, ngành ngân hàng đã chủ động cân đối, điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đảm bảo vốn tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư tại khu vực Tây Nguyên.
"Tính đến 31/12/2014, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 145.479 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cuối năm 2013, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (14,16%) và chiếm tỷ trọng 3,66% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế cả nước", ông Trần Minh Tuấn nói.
Lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 ngân hàng thương mại với 17 doanh nghiệp
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, ông Tuấn cũng cho biết thêm, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. Tính đến ngày 31/3/2015, dư nợ cho vay các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại khu vực Tây Nguyên đạt 11.132 tỷ đồng, tăng 2,07% so với cuối năm 2014, chiếm tỷ trọng 8,5% dư nợ cho vay toàn hệ thống NHCSXH với gần 517.000 hộ còn dư nợ.
Những con số trên đã phần nào minh chứng nhận định của Đại tướng Trần Đại Quang về việc nhu cầu vốn để phát triển Tây Nguyên rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần cơ bản, phần lớn phải huy động từ các nguồn khác như ODA, FDI và vốn trong nước. Đồng thời, các con số cũng cho thấy thực tế, dẫu nguồn vốn dành cho Tây Nguyên không nhỏ, nhưng vấn đề phát huy hiệu quả nguồn vốn để khu vực phát triển tương xứng với tiềm năng lại là bài toán còn nhiều trăn trở…
“Chính sách rất quan trọng nhưng thực thi chính sách như thế nào mới là điều quan trọng nhất”, ông Fumihiko Okiura, Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam nói.
Đại tướng Trần Đại Quang nói: “Hội nghị là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thân thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế để an tâm đầu tư kinh doanh và cùng phát triển”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN, phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội Tây Nguyên.
Lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng cam kết, quan tâm đến những DN đang đầu tư, kinh doanh tại địa phương, luôn thực hiện việc đồng hành cùng nhà đầu tư và DN; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
“Duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ… tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới”, Đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nói.
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 DN thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng, trong đó tỉnh Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng và tỉnh Gia Lai có số lượng dự án nhiều nhất (4 dự án). Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3 cũng chứng kiến lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 ngân hàng thương mại (LienVietPostBank, Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank) với 17 DN thực hiện 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi... |