Thực tế, quân đội và bộ máy chính trị tại Cộng hòa Hồi giáo Pakistan từ lâu đã quen với việc nhận các gói viện trợ từ bên ngoài nhằm giữ những bất ổn tại quê nhà không vượt qua biên giới.
Hiện tại, ông Tập Cận Bình không hề ngần ngại trong việc đưa ra những lời mời chào đầu tư vào Pakistan, bao gồm cả hệ thống đường bộ, đường sắt, nhà máy năng lượng và cầu cảng thuộc dự án mang tên gọi Hành lang Kinh tế Trung Quốc -Pakistan (CPEC), một phần của mục tiêu tham vọng xây dựng “Một vành đai -một con đường” của chính quyền Đại lục.
Theo giới chức Trung Quốc, các dự án này không chỉ kết nối Đại lục với thị trường và các nhà cung cấp từ châu Âu tới Đông Nam Á, mà còn thúc đẩy sự ổn định, phát triển tại các quốc gia có liên quan.
Tiền gửi tới Pakistan được ví như “thói quen”, thay vì mang lại hiệu quả là nâng cao sức mạnh của quân đội quốc gia. Và các nguồn lực được gửi tới đây thường nhanh chóng “cạn kiệt” trước khi phát huy tác dụng
Thậm chí, ngay cả quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng kỳ vọng, hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc vào Pakistan có thể phần nào giảm bớt tình trạng phụ thuộc quá lớn vào nguồn tiền từ một bên (Mỹ) và làm dịu đi sức ép lên ngân sách nhằm phát triển kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, diễn biến trên lại gợi nhắc tới sự lạc quan “mù quáng” của các nhà tài trợ Mỹ dành cho Pakistan trong hàng thập kỷ qua.
Nếu Trung Quốc không cẩn thận, họ rất có thể sẽ lặp lại vết xe đổ này, khi chi tiền và mang về nhiều hơn những cơn đau đầu.
Như là một phần của CPEC, Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản vay cho Pakistan nhằm xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, nhà máy điện, cảng biển và đường cao tốc.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung vào nhà máy điện, với khoảng 18 tỷ USD cho nhiệt điện và khoảng 10 tỷ USD cho đường cao tốc, cảng biển và đường sắt.
Đối với Trung Quốc, lợi ích của CPEC là quá rõ ràng, trong đó đáng kể nhất là việc phần nào tránh được “thế tiến thoái lưỡng nan tại Malacca”.
Cụ thể, 80% lượng dầu mỏ cũng như các giao dịch thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi theo lộ trình đường biển qua eo biển Malacca, điểm trọng yếu nhưng dễ chịu tổn thương nếu Mỹ hoặc Ấn Độ tiến hành phong tỏa.
Cách duy nhất để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Malacca là dầu mỏ hoặc hàng hóa tới Trung Quốc sẽ đi qua cảng biển mới tại Gwadar, thuộc tỉnh Balochistan, Pakistan sau đó cập cảng tại tỉnh Tân Cương.
Các chuyên gia phân tích Trung Quốc kỳ vọng, quá trình đầu tư sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Pakistan, ổn định tình hình chính trị và hóa giải một số phiền hà của tình trạng rối ren hiện tại.
Tuy nhiên, có 2 bài toán trong quá khứ chưa tìm được lời giải mà Trung Quốc cần phải đối mặt.
Thứ nhất, tình hình chính trị phức tạp tại Pakistan, yếu tố khiến toàn bộ quá trình đầu tư đang rơi vào tình trạng lộn xộn.
Lãnh đạo tỉnh Balochistan, khu vực có 13 triệu dân với vị thế địa lý quan trọng đã lên tiếng cho rằng, theo kế hoạch ban đầu, các công trình xây dựng thuộc dự án CPEC sẽ chỉ nằm trên địa phận tỉnh này và tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Tuy nhiên, hiện tại, dường như nó đang mang lại lợi ích cho các tỉnh giàu có hơn ở phía Đông như Punjab và Sindh.
Những người phản đối cho rằng, các dự án đầu tư của Trung Quốc đã thay đổi để giúp tỉnh Punjab được hưởng lợi, trong khi đây là khu vực có mối liên hệ mật thiết với Thủ tướng Nawaz Sharif.
Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc là “kẻ mới đến” còn nhiều bỡ ngỡ. Họ sẽ phải cân bằng được lợi ích giữa hai bên là Chính phủ Pakistan và chính quyền địa phương Balochistan.
Người dân tỉnh này đã 5 lần nổi dậy, thực hiện các chiến dịch bạo lực đòi độc lập từ Pakistan. Nếu thất bại trong việc giữ cán cân cân bằng, Trung Quốc sẽ khiến tình hình chính trị tại đây càng thêm bất ổn và hành lang kinh tế khó lòng hoàn thành.
Bài toán thứ hai là cẩn thận với quân đội Pakistan. Hàng thập kỷ nhận được viện trợ từ nước ngoài khiến lực lượng này không chỉ có thế mạnh tại chính quyền, mà còn hiện diện chủ chốt tại mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Rất nhiều tổ chức quân đội hiện đã tham gia vào dự án xây dựng hành lang kinh tế, đặc biệt là xây dựng hệ thống đường giao thông. CPEC cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi thủ lĩnh quân đội Pakistan tới thăm Bắc Kinh trong tháng trước.
Tuy nhiên, lực lượng này có thể trở thành “kẻ quấy nhiễu” khiến các nhà đầu tư Trung Quốc nhanh chóng nản lòng.
Mới đây, quân đội Pakistan đã xây dựng một bộ phận mới gồm 9 tiểu đoàn và 6 lực lượng dân quân với lý do bảo đảm an ninh cho các công trình xây dựng.
Vấn đề này vốn đã quen thuộc với nhiều nhà tài trợ Mỹ bởi thực tế, tiền gửi tới Pakistan được ví như “thói quen”, thay vì mang lại hiệu quả là nâng cao sức mạnh của quân đội quốc gia. Và các nguồn lực được gửi tới đây thường nhanh chóng “cạn kiệt” trước khi phát huy tác dụng.
Pakistan là “cơn đau đầu” của các nhà tài trợ phương Tây trong hàng thập kỷ qua. Với Trung Quốc, chỉ riêng dự án CPEC dường như chưa đủ để thay đổi tình trạng hiện tại.