Đầu tư vàng qua sàn: Cần xác định rõ mục tiêu

(ĐTCK-online) Trước đây, khi có nhu cầu kinh doanh vàng, nhà đầu tư (NĐT) chỉ biết đến các tiệm vàng và giao dịch trên thị trường tự do. Nhưng do thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu thiết yếu của nhiều người là cần tìm đến một sân chơi mang tính chất rộng. Xuất phát từ lý do này, một số ngân hàng, công ty kinh doanh vàng đã và đang hình thành nhiều sàn giao dịch vàng (SGDV), nhằm tạo thêm điều kiện cho NĐT trong việc tìm kiếm kênh bỏ vốn bên cạnh chứng khoán, bất động sản hiện nay.

Tham gia giao dịch vàng trên sàn có các thành viên và NĐT cá nhân, tổ chức. Các thành viên là các ngân hàng, doanh nghiệp có khả năng và tiềm lực. Giống như sàn giao dịch chứng khoán, các NĐT phải thực hiện mở tài khoản tại các thành viên. Mỗi ngày sàn sẽ hoạt động 2 phiên: phiên đầu tiên giao dịch từ 8h00 - 11h00; phiên thứ hai từ 13h - 16h. Hiện thị trường đã có 2 SGDV là: SGDV Sài Gòn (do ACB cùng 15 thành viên là các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng tổ chức), SGDV SJC -Hà Nội (do SJC kết hợp với Công ty chứng khoán (CTCK) Hà Thành và VP Bank triển khai và sắp tới là TP. HCM thông qua CTCK SJC. Dự kiến, trong năm nay sẽ có thêm nhiều sàn vàng mới như: Sacombank, DongA Bank - PNJ, VietA Bank, Eximbank kết hợp với SJC… Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng SGDV Sài Gòn, SJC đã thu hút động đảo NĐT tham gia kinh doanh

Hiện vàng được xem là một trong những kênh đầu tư sinh lợi cao, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng, chứng khoán chưa thực sự phục hồi và bất động sản đang đóng băng. Điều này được chứng minh qua khối lượng giao dịch của NĐT tại SGDV Sài Gòn có ngày đạt mức kỷ lục 400.000 lượng. Điểm thuận lợi của NĐT trong việc kinh doanh vàng qua sàn hiện nay là chỉ cần ký quỹ 7% giá trị giao dịch trước khi đặt lệnh mua/bán vàng. Số vốn còn lại (93%) sẽ được ngân hàng (đơn vị tổ chức) cho vay.

Tại SGDV Sài Gòn, mức khối lượng tối thiểu là 50 lượng vàng, nên NĐT nhỏ với số vốn hiện nay khoảng 65 triệu đồng đã có thể tham gia trên SGDV. NĐT sẽ được hỗ trợ vốn vay khoảng 13 lần vốn tự có để tham gia đầu tư. Tuy nhiên, khi giá vàng biến động bất lợi làm cho tỷ lệ ký quỹ thực tế của khách hàng thấp hơn hoặc bằng tỷ lệ xử lý do thành viên cho vay quy định thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản của NĐT để đưa tỷ lệ ký quỹ NĐT về tỷ lệ ký quỹ ban đầu, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc bước nhảy về khối lượng đặt lệnh. Việc xử lý tài sản NĐT nhằm hạn chế bớt rủi ro có thể thua lỗ nhiều hơn của khách hàng cũng như rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Loại vàng giao dịch qua sàn hiện nay chủ yếu là nhãn hiệu SJC, khối lượng giao dịch tối thiểu là 50 lượng vàng và mỗi lệnh có khối lượng là bội số của 50 và theo phương thức khớp lệnh liên tục và có hiệu lực trong ngày. Với cơ chế khớp lệnh liên tục đang thực hiện tại SGDV Sài Gòn, sẽ hạn chế tối đa khả năng làm giá của cơ chế khớp lệnh định kỳ. Mặt khác, khi giá trên sàn không phản ánh cung cầu khách quan, quá cao hoặc quá thấp so với thị trường ngoài, thì NĐT sẽ tìm cách giao dịch có lợi nhất. Chính sự vận động trong và ngoài sàn sẽ kéo giá lại gần thị trường nhất.

Giá mua bán trên SGDV là do cung cầu tự quyết định. Sàn vàng chỉ là nơi để NĐT tham gia giao dịch, chứ không quyết định được giá giao dịch. Do đó, giá vàng trên sàn đôi khi có sự khác biệt với giá bên ngoài thị trường là do tâm lý của NĐT tại mỗi thị trường quyết định. Hơn nữa, giá vàng trên sàn giao dịch được hình thành trên cơ sở khớp lệnh liên tục. Trong khi, giá vàng ngoài thị trường tự do lại phục thuộc vào ý chí của đơn vị niêm yết giá. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thái Hân, Giám đốc Khối Ngân quỹ ACB, giá vàng trên sàn và ngoài sàn sẽ bám sát nhau, giá trên sàn sẽ phần nào phản ánh được xu thế giá trên thị trường. Bởi nếu giá vàng trên sàn cao hơn giá ngoài sàn thì các NĐT sẽ mua vàng ở ngoài để bán trên sàn và ngược lại.

Ông Albert Cheng, Giám đốc Hội đồng Vàng thế giới - Khu vực châu Á cho biết, việc kinh doanh vàng qua sàn giao dịch sẽ có nhiều cơ hội cho NĐT. Tuy nhiên, trước khi mua - bán vàng qua sàn, NĐT cần xác định được mục tiêu đầu tư, sau đó chọn nhà tư vấn và sàn giao dịch. Nhưng với thị trường Việt Nam hiện nay, ông Albert Cheng cho rằng, có quá ít SGDV để NĐT lựa chọn. Do đó, Việt Nam cần có thêm nhiều SGDV để tạo điều kiện cho NĐT trong kinh doanh. Vì tính minh bạch của thị trường vàng nói chung và các công cụ đầu tư khác nói riêng, cần có sự cạnh tranh. Đồng thời, các SGDV của Việt Nam trong tương lai phải được liên kết với nhiều SGDV trên thế giới, đồng thời đưa giá vàng tiến sát với giá vàng thế giới. 

Còn theo đánh giá của một chuyên gia ngành vàng, việc ra đời của nhiều SGDV sẽ tạo thêm cơ hội cho NĐT tham gia mua - bán. Tuy nhiên, ông này cho rằng, cũng như chứng khoán, bất động sản… đầu tư vào vàng, bên cạnh lợi nhuận cũng khá rủi ro, vì sự biến động giá của vàng thường khá lớn.

Thùy Thanh
Thùy Thanh

Tin cùng chuyên mục