Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) tiếp tục lỗ trong quý II/2024 khi kinh doanh dưới giá vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (mã VLA – sàn HNX) ghi nhận lỗ 5.299,5 triệu đồng trong quý II, luỹ kế nửa đầu năm 2024 lỗ 6.854,7 triệu đồng.
Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (VLA) tiếp tục lỗ trong quý II/2024 khi kinh doanh dưới giá vốn

Lỗ luỹ kế 3,24 tỷ đồng

Trong quý II/2024, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang ghi nhận doanh thu đạt 1.368,21 triệu đồng, giảm 76% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế lỗ tới 5.299,51 triệu đồng so với cùng kỳ lãi 53,13 triệu đồng. Đáng chú ý, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.

Trong kỳ, với việc kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 44,8 triệu đồng so với cùng kỳ dương 3.978,16 triệu đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng thêm 61,15 triệu đồng lên 62,12 triệu đồng; chi phí tài chính tăng thêm 50,56 triệu đồng lên 49,11 triệu đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng thêm 1.346,17 triệu đồng lên 5.262,58 triệu đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lý giải việc kinh doanh thua lỗ trong quý II, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn, lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu giảm do sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khoá học trong quý II/2024.

Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang ghi nhận doanh thu đạt 2.356,63 triệu đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế lỗ tới 6.854,7 triệu đồng so với cùng kỳ lãi 151,1 triệu đồng.

Tính tới 30/6/2024, Công ty ghi nhận lỗ luỹ kế chưa phân phối tới 3,24 tỷ đồng (đầu năm dương 3,61 tỷ đồng) và bằng 8,1% vốn điều lệ (vốn điều lệ 39,96 tỷ đồng).

Dòng tiền tiếp tục âm và quy mô tài sản giảm 16,7%

Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong nửa đầu năm 2024, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm tới 7,96 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1,43 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 5,79 tỷ đồng và dòng tiền tài chính không thay đổi so với đầu năm.

Về quy mô tài sản, tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang giảm tới 16,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 7,59 tỷ đồng về 37,78 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 23,67 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 13,25 tỷ đồng, chiếm 35,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản dở dang dài hạn giảm từ 18 tỷ đồng về 0 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 279,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 17,43 tỷ đồng lên 23,67 tỷ đồng…

Phải thu khác của ông Trần Văn Thăng tăng mạnh nửa đầu năm 2024

Phải thu khác của ông Trần Văn Thăng tăng mạnh nửa đầu năm 2024

Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang thuyết minh phải thu ngắn hạn tăng chủ yếu do phải thu của ông Trần Văn Thăng từ 0,18 tỷ đồng lên 18 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu ông Trần Văn Thăng theo biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 17/6/2024.

Tài sản dở dang dài hạn giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024

Tài sản dở dang dài hạn giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024

Ngược lại, tài sản dở dang dài hạn giảm do giảm 18 tỷ đồng về 0 tỷ đồng liên quan quyền sử dụng đất tại Quảng Ninh. Trong đó, Công ty cho biết đây là giá trị quyền sử dụng đất tại tổ 103, khu Cao Sơn, phường Cẩm Sơn, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh theo hợp động chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Công ty và ông Trần Văn Thăng ngày 20/12/2022. Hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo biên bản thanh lý ngày 17/6/2024.

Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang được thành lập năm 2007, ngành nghề chính là đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.

Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm cuối quý II/2024, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang có 5 cổ đông lớn gồm ông Đặng Trọng Khang sở hữu 24,98% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hữu Thuận sở hữu 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thành Tiến sở hữu 11,47% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thu Hà sở hữu 9,39% vốn điều lệ; CTCP CI Holding sở hữu 4,95% vốn điều lệ; và còn lại 39,2% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Cơ cấu cổ đông VLA tại thời điểm 30/6/2024

Cơ cấu cổ đông VLA tại thời điểm 30/6/2024

Ông Nguyễn Thành Tiến đang là Chủ tịch HĐQT Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang từ ngày 30/7/2020 tới nay.

Ông Tiến tự giới thiệu là “chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam”, “Chủ tịch công ty IPO trên sàn chứng khoán”, sở hữu khách sạn, khu du lịch, đảo tư nhân, toà nhà cho thuê; người sáng lập tổ chức giáo dục NIK từ năm 2012 và đã đào tạo hơn 250.000 học viên về đầu tư và doanh nghiệp… Các khóa học được ông Tiến rao bán có tên “Trí tuệ đầu tư 6.0”, “Chiến lược đầu tư bất động sản”, “Khóa học siêu sao môi giới bất động sản”…

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu VLA đóng cửa giá tham chiếu 14.300 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục