Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (VLA): Dạy làm giàu nhưng kém "may mắn" khi tự đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA), một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán chuyên kinh doanh các khoá học về đầu tư, làm giàu, song các thương vụ đầu tư chứng khoán, địa ốc lại kém vui.

Vài năm nay, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện các quảng cáo về khóa học đầu tư, dạy làm giàu của ông Nguyễn Thành Tiến. Trên trang web nguyenthanhtien.net và nikedu.vn (của Công ty TNHH Trường Đào tạo kinh doanh và Đầu tư thực tế NIK) và trang cá nhân “Nguyễn Thành Tiến” trên nền tảng facebook.

Ông Tiến tự giới thiệu là “chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao nhất Việt Nam”, “Chủ tịch công ty IPO trên sàn chứng khoán”, sở hữu khách sạn, khu du lịch, đảo tư nhân, toà nhà cho thuê; người sáng lập tổ chức giáo dục NIK từ năm 2012 và đã đào tạo hơn 250.000 học viên về đầu tư và doanh nghiệp… Các khóa học được ông Tiến rao bán có tên “Trí tuệ đầu tư 6.0”, “Chiến lược đầu tư bất động sản”, “Khóa học siêu sao môi giới bất động sản”… dù chỉ kéo dài vài ngày nhưng có giá từ vài triệu đồng đến 155 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Thành Tiến sinh năm 1986, là kỹ sư xây dựng. “Công ty IPO trên sàn chứng khoán” mà ông hay nhắc đến là CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA, sàn HNX), nơi ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2020.

Ông Tiến cũng tự nhận là người lập ra VLA nhưng hồ sơ doanh nghiệp của VLA cho thấy, công ty này (trụ sở tại 81 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, thành lập năm 2007) tiền thân là đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của VLA ghi nhận 3 cổ đông sáng lập là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng và ông Lê Thành Anh - hai lãnh đạo doanh nghiệp thời kỳ đầu. Quy mô vốn điều lệ của VLA ban đầu là 3 tỷ đồng, sau ba lần tăng vốn đến nay đạt hơn 39,9 tỷ đồng. Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX từ ngày 4/8/2011.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của VLA, ông Đặng Trọng Khang (cổ đông lớn) sở hữu 24,98%, ông Nguyễn Hữu Thuận (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc) nắm 10%, ông Nguyễn Thành Tiến nắm 9,08%, bà Nguyễn Thu Hà (Phó giám đốc) nắm 9,39%, CTCP CI Holding nắm 4,95%, các cổ đông khác nắm 41,59% còn lại.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 10,98 tỷ đồng doanh thu và gần 132 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 3% kế hoạch lợi nhuận. So với kết quả thực hiện của năm 2022, doanh nghiệp bị sụt giảm tới 66% doanh thu và 96% lợi nhuận sau thuế. Theo giải trình của VLA, “năm 2023, công tác đào tạo của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tình hình kinh tế khó khăn, suy thoái, hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán giảm mạnh dẫn tới nhu cầu học cũng giảm sút”.

Tuy nhiên, nếu nhìn cả quá trình hoạt động của VLA, có thể thấy, dù quy mô vốn điều lệ được mở rộng nhưng kết quả kinh doanh ngày càng teo tóp. Giai đoạn 2010 - 2019, Công ty đạt doanh số từ 7 - 13 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận dao động từ 1,1 - 3,2 tỷ đồng. Giai đoạn này, Văn Lang hoạt động trong mảng truyền thống là xuất bản sách, in ấn, phát hành, buôn bán máy tính và thiết bị giáo dục…, với khách hàng hầu hết là những công ty con hoặc công ty liên quan của Nhà xuất bản Giáo dục. Từ năm 2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, giấy phép kinh doanh của VLA thay đổi theo hướng đóng bớt các mảng kinh doanh truyền thống và mở thêm hoạt động tư vấn, đào tạo kỹ năng đầu tư…

Năm 2021, năm đầu tiên dưới thời Chủ tịch Nguyễn Thành Tiến, VLA ghi nhận doanh thu 14,4 tỷ đồng, lợi nhuận 5,7 tỷ đồng. Năm 2022, dù doanh thu tăng đột biến, lên 32,4 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của VLA lại giảm 56% so với năm trước, chỉ còn 3,6 tỷ đồng. Cuối năm 2022, VLA phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ mức 10,8 tỷ đồng lên gần 20 tỷ đồng. Dù vậy, năm 2023, kết quả kinh doanh lại đi lùi.

Đáng chú ý, mặc dù bán các khoá học dạy đầu tư, dạy làm giàu, nhưng chính công ty này lại không thành công trong đầu tư. Tại báo cáo tài chính năm 2021, VLA có thuyết minh về khoản đầu tư chứng khoán có tổng giá trị 11,824 tỷ đồng, gồm 149.000 cổ phiếu CEO với giá gốc gần 6,85 tỷ đồng, tương ứng 45.000 đồng/cổ phiếu và 58.600 cổ phiếu DIG với giá gốc gần 5 tỷ đồng, tương ứng 84.000 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính giữa niên độ 2022 của VLA cho thấy, tại thời điểm 30/6/2022, quy mô khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh chỉ còn 7,392 tỷ đồng tính theo giá gốc, nhưng Công ty phải trích lập dự phòng hơn 4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, giá trị đầu tư vào hai cổ phiếu này của VLA chỉ còn hơn 5 triệu đồng; đồng thời, Công ty cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng do thanh lý khoản đầu tư. Trong suốt năm 2023, Công ty gần như không đầu tư chứng khoán với lý do “để bảo toàn vốn trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi”.

Về đầu tư bất động sản, năm 2022, VLA mua một khách sạn tại Quảng Ninh với giá trị 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản về VLA cũng như khai thác kinh doanh nên Ban Giám đốc đã đề xuất Hội đồng quản trị họp ra nghị quyết để thanh lý hợp đồng mua khách sạn, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục