Đầu tư ủy thác, điểm mờ thông tin

(ĐTCK) Khi mà giao dịch ủy thác của các công ty quản lý quỹ ẩn chứa rất nhiều thông tin mà thị trường quan tâm, một câu hỏi được đặt ra là giao dịch này có nên được minh bạch hóa?
Đầu tư ủy thác, điểm mờ thông tin

> Số phận nhiều tỷ đồng ủy thác đầu tư ra sao?

> Nhiều rủi ro khi ủy thác đầu tư

> Số phận 723 tỷ đồng ủy thác tại Công ty Quản lý quỹ Hữu Nghị?

> Ủy thác tiền gửi nhìn từ vụ án Huyền Như   

Giao dịch của Công ty Quản lý quỹ SSIAM hôm mùng 5/7 vừa qua mua một lúc gần 4 triệu cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC, khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc: “SSIAM tự doanh hay một nhà đầu tư nào đang có chiến lược riêng với Công ty FLC?”. Giao dịch này sau đó đã được SSIAM công bố là giao dịch ủy thác.

Đầu tư ủy thác, điểm mờ thông tin ảnh 1

Đối với những người quan tâm tới cổ phiếu của một công ty niêm yết nào đó, nếu ngay từ đầu, giao dịch được nêu rõ là ủy thác thì ít nhất cũng giúp họ hiểu rằng, đang có nhà đầu tư đứng sau quỹ có chiến lược đầu tư riêng với công ty - kể cả khi danh tính của nhà đầu tư đó được bảo mật.

Đối với những người quan tâm tới tình hình tài chính của công ty quản lý quỹ, nếu giao dịch được nêu rõ là tự doanh hay ủy thác, nhà đầu tư sẽ hiểu được giao dịch đó có ảnh hưởng trực tiếp đến lãi lỗ của công ty quản lý quỹ hay không.

Việc phải công khai danh tính trong các giao dịch lớn, đặc biệt đối với các giao dịch mua bán sáp nhập công ty, là điều mà người mua đích thực thường không muốn. Trong trường hợp đó, dịch vụ ủy thác của các công ty quản lý quỹ trở nên cực kỳ hữu dụng và hiện được sử dụng thường xuyên trên TTCK.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hiện yêu cầu các “tổ chức, cá nhân, nhóm người có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết” phải báo cáo giao dịch, nếu giao dịch đó thay đổi quá các ngưỡng 1%. Điều đó có nghĩa là một nhà đầu tư, lấy ví dụ, nếu muốn mua 8% cổ phiếu của một công ty nhưng không muốn ra mặt, có thể lách bằng cách tự mua 4% và ủy thác cho quỹ mua 4%, tránh việc công bố thông tin với cả nhà đầu tư và quỹ.

Cách né tránh này, cộng với việc quỹ đầu tư không phải công bố rõ tính chất giao dịch của mình, đã giúp bảo mật thông tin giao dịch cho nhà đầu tư lớn. Điều này dẫn đến thực tế phổ biến trên TTCK Việt Nam là các mỗi khi có các hoạt động mua bán, sáp nhập công ty, các tin đồn tràn ngập và thậm chí là hỗn loạn. Tình trạng đó ngược lại hoàn toàn với các thị trường phát triển, nơi danh tính, động thái của các bên theo đuổi vụ mua bán được cập nhật công khai liên tục.

“Với tư cách một nhà đầu tư, tôi thích các quỹ công bố rõ đâu là giao dịch ủy thác và đâu là giao dịch tự doanh của quỹ để tôi hiểu được bản chất của giao dịch. Nhưng với tư cách quản lý quỹ, tất nhiên tôi muốn không công bố tách riêng hai loại giao dịch này ra, điều đó sẽ tốt cho dịch vụ của chúng tôi”, quản lý của một công ty quản lý quỹ nói.

Tất nhiên, UBCK vẫn đặt ra các quy định để ngăn những giao dịch ủy thác không lành mạnh. Thông tư 212/2012/TT-BTC yêu cầu giao dịch mua bán lại (repo) tài sản (trừ trái phiếu chính phủ) phải đứng tên người giao dịch, chứ không phải là đơn vị được ủy thác. Thông tư cũng yêu cầu, trong các trường hợp gồm đầu tư vào chính khách hàng ủy thác hoặc đầu tư vào công ty mẹ, con, hay các tổ chức có liên quan đến khách hàng ủy thác, đầu tư vào bất động sản, các dự án đầu tư liên quan đến khách hàng ủy thác, thì khách hàng đó sẽ phải thông báo, báo cáo, công bố thông tin, “hoặc lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý”.

Tuy nhiên, những giao dịch không được xếp vào dạng “lòng vòng” như trên vẫn là một khối thông tin mù mờ đối với nhà đầu tư và thị trường. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ và các cổ đông lớn vẫn thích giữ bí mật các giao dịch của mình ở mức càng cao càng tốt. “Nhìn chung, minh bạch hơn thì sẽ tốt cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng đối với công ty quản lý quỹ và các khách hàng của chúng tôi thì tính bảo mật vẫn là trên hết”, người quản lý của một công ty quản lý quỹ nói.

Quang Minh
Quang Minh

Tin cùng chuyên mục