Đầu tư tuần qua: Quy hoạch trường đua ngựa 350 triệu USD; trên 8.000 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 91

Thái Nguyên quy hoạch trường đua ngựa 100 ha, vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD; Dự kiến đầu tư trên 8.000 tỷ đồng nâng cấp 7 km Quốc lộ 91 qua Cần Thơ…
Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Nóng ruột với tiến độ chuẩn bị “siêu” Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Ban quản lý dự án đường sắt phải chỉ đạo tư vấn và huy động các nguồn lực để hoàn thiện sớm hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Đây là yêu cầu vừa được Bộ GTVT đặt ra đối với Ban quản lý Dự án đường sắt liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là dự án có quy mô lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, cần lấy ý kiến của nhiều địa phương, bộ, ngành liên quan.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã có các văn bản giao Ban quản lý dự án đường sắt hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ GTVT trong tháng 3/2023 để lấy ý kiến các bộ, ngành. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT chưa nhận được hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Đối với vấn đề này, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt khẩn trương chỉ đạo Tư vấn, tập trung nhân lực rà soát, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và gửi Bộ GTVT trước ngày 10/4/2023.

Nội dung hồ sơ cần bám sát các chỉ đạo của Bộ GTVT, trong đó lưu ý rà soát bảo đảm đầy đủ các nội dung hồ sơ theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP; rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP.HCM - Cần Thơ; xác định cụ thể loại hàng, chân hàng dự kiến vận chuyển bằng đường sắt; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác.

Ban quản lý dự án đường sắt cũng phải cập nhật các nội dung của quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, khả năng dành quỹ đất của địa phương để xây dựng các nhà ga; luận chứng khoa học chặt chẽ, phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và đặt trong tổng thể các tuyến đường sắt của khu vực; rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính bảo đảm độ tin cậy (trích dẫn nguồn số liệu cụ thể, tính toán trong cùng mặt bằng so sánh).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường sắt xây dựng tiến độ chi tiết cho từng nội dung trong giai đoạn chủ trương đầu tư (lập, trình phê duyệt, thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, thẩm tra dự án) gửi Bộ GTVT để phối hợp chỉ đạo triển khai.

Theo đề xuất sơ bộ của Ban quản lý dự án đường sắt, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42 km.

Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị.... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1.435 mm - điện khí hóa.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến; tốc độ thiết kế lớn nhất 190km/h (tàu khách khai thác tốc độ <190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ <120 km/h).

Kết cấu tuyến chủ yếu trên nền đắp và cầu cạn. Về phương án tổ chức vận tải tàu khách và tàu hàng, Ban quản lý dự án đường sắt kiến nghị tàu hàng sẽ được tổ chức từ Tân Kiên đến ga ga An Bình và Cần Thơ; tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; trong đó tổ chức một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD). Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP: Nhà nước thanh toán tiền GPMB, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước, đây là hình thức BTL.

Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của nhà nước).

Bình Định kiên quyết điều chuyển vốn các dự án đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp

Chủ tịch tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn đã ký ban hành Chỉ thị đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý năm 2023.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu các cấp, ngành và địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát từng Dự án cụ thể, xử lý những vướng mắc hoặc đề xuất kịp thời cấp có thẩm quyền để tháo gỡ kịp thời.

Mục tiêu của tỉnh Bình Định phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023.

Cụ thể đến hết quý II/2023 đạt trên 40%, hết quý III/2023 đạt trên 60%; đến hết quý IV/2023 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2023 đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2024 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.

Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh trong quá trình triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp sở, ngành liên quan rà soát, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn năm của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2023 sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ.

Theo đó, việc rà soát sẽ thực hiện 3 đợt. Đợt 1 sẽ rà soát, thu hồi, điều chuyển vốn của dự án hoàn thành, chuyển tiếp đến ngày 31/5/2023 có kết quả giải ngân dưới 35% kế hoạch vốn.

Đợt 2 sẽ rà soát tiến độ đối với các dự án được giao kế hoạch năm 2023 thu hồi, điều chuyển vốn của các dự án đến 31/7/2023 có kết quả giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn.

Đợt 3 sẽ rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không còn khả năng giải ngân thanh toán, thời gian trước 1/11/2023.

Tính đến ngày 29/3/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh Bình Định quản lý là 1.461/8.916 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 16,39% kế hoạch năm.

Trong đó, giải ngân nguồn vốn đầu tư tập trung là 121,5/585 tỷ đồng, đạt 20,75%; nguồn thu tiền sử dụng đất là 537/5.500 tỷ đồng, đạt 9,77%; nguồn xổ số kiến thiết là 31,6/120 tỷ đồng, đạt 26,35% kế hoạch năm.

Ngoài ra, giá trị giải ngân một số nguồn vốn khác như vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 604,5/1.716,1 tỷ đồng, đạt 35,22%; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là 68,6/353 tỷ đồng, đạt 19,45%; vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia là 31,5/337,2 tỷ đồng, đạt 9,36%; vốn nước ngoài (ODA) là 35,8/170,3 tỷ đồng, đạt 20,98% kế hoạch năm…

Đầu tư xây dựng 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam

Bộ Giao thông vận tải vừa chấp thuận về vị trí, quy mô xây dựng 8 trạm dừng nghỉ trên các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam chuẩn bị đưa vào khai thác.

Cụ thể, trên tuyến cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 sẽ xây trạm dừng nghỉ tại Km 329+700 tỉnh Thanh Hóa; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu xây dựng tại Km 427+035 tỉnh Nghệ An;

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt xây dựng trạm dừng nghỉ tại Km478+200 tỉnh Hà Tĩnh; cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tại Km 22+100 tỉnh Khánh Hòa;

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Km 72+000 tỉnh Ninh Thuận; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng hai trạm tại Km 144+560 và Km 205+092 tỉnh Bình Thuận; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xây dựng tại Km 47+500 tỉnh Bình Thuận.

Trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc nêu trên được đầu tư theo quy mô trạm dừng nghỉ thông thường với các hạng mục cấp xăng, dầu, nghỉ ngơi dừng xe, ăn uống, có khu nghỉ ngơi, vệ sinh cho người tham gia giao thông.

Chấp thuận vị trí, quy mô các trạm dừng nghỉ nêu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông theo đề xuất của Ban Quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh lập danh mục công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần đã được giao nhiệm vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bên mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Ngoài chấp thuận các trạm dừng nghỉ nêu trên, để hoàn thiện mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía đông, đáp ứng tiến độ phê duyệt trong tháng 4/2023, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án 2 làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lựa chọn vị trí phù hợp, bảo đảm khoảng cách theo quy định khi đầu tư trạm dừng nghỉ tại Km 366+430 thuộc cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn.

Đối với trạm dừng nghỉ tại Km 80+850 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý, các nội dung đã thỏa thuận với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án xử lý phù hợp, bảo đảm khoảng cách giữa các trạm báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 11/4/2023.

Đối với trạm Km 28+770 trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 85 phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, lựa chọn vị trí phù hợp để bảo đảm khoảng cách theo quy định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/4/2023.

Liên quan đến trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả, Bộ Giao thông vận tải giao Ban quản lý dự án 85 bổ sung các nội dung về cơ sở pháp lý, quy định hợp đồng; số liệu, hiện trạng và tiến độ đầu tư liên quan đến trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả.

Trường hợp sử dụng trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả để phục vụ khai thác cao tốc Bắc - Nam phía đông, Ban quản lý dự án 85 phối hợp với Ban quản lý dự án 7 đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm khoảng cách theo quy định, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/4/2023.

Đối với một số trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông do VEC quản lý, Bộ Giao thông vận tải thống nhất về nguyên tắc lựa chọn một số trạm dừng nghỉ để đưa vào mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông bảo đảm khoảng cách theo quy định; đối với các trạm còn lại, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng điểm dừng chân trên cao tốc.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án 6, Tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông bảo đảm chặt chẽ về pháp lý trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 18/4/2023.

Được biết, hiện Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu thầu để tạo hành lang pháp lý đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ.

Theo kết quả rà soát ban đầu, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư. 32 trạm dừng nghỉ còn lại đang được tiến hành thẩm định.

Soi quy mô 16 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng; Cục Đường cao tốc Việt Nam; các ban quản lý Dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) về việc đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Để đáp ứng yêu cầu khai thác đối với một số dự án thành phần chuẩn bị đưa vào sử dụng, Bộ GTVT chấp thuận vị trí, quy mô 16 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án: 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh khẩn trương căn cứ các trạm dừng nghỉ được chấp thuận, tổ chức lập danh mục công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần đã được giao nhiệm vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đăng tải danh mục theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bên mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đối với trạm dừng nghỉ tại Km366+430 thuộc cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 2 phối hợp Ban quản lý dự án 6 làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lựa chọn vị trí phù hợp, bảo đảm khoảng cách theo quy định.

Đối với trạm dừng nghỉ tại Km80+850 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện), Bộ GTVT giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý, các nội dung đã thỏa thuận với địa phương, báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 11/4/2023 về phương án xử lý phù hợp, bảo đảm khoảng cách giữa các trạm theo quy định.

Trên cơ sở phương án đề xuất của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phối hợp với Ban quản lý dự án 6 làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế để thống nhất phương án xử lý, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/4/2023.

Đối với trạm Km28+770 trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 85 phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, lựa chọn vị trí phù hợp (cách trạm kiểm tra kỹ thuật phía Nam của hầm Cù Mông khoảng 15 km) để bảo đảm khoảng cách theo quy định, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/4/2023.

Đối với trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả (cách trạm Km33+150 thuộc cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong khoảng 17,85 km), Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 85 bổ sung các nội dung về cơ sở pháp lý, quy định hợp đồng; số liệu, hiện trạng và tiến độ đầu tư liên quan đến trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả. Trường hợp sử dụng trạm dừng nghỉ hầm Đèo Cả để phục vụ khai thác cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Ban quản lý dự án 85 phối hợp với Ban quản lý dự án 7 đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm khoảng cách theo quy định, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/4/2023.

Đối với một số trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc lựa chọn một số trạm dừng nghỉ để đưa vào mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông bảo đảm khoảng cách theo quy định; đối với các trạm còn lại, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng điểm dừng chân trên cao tốc.

Trước đó, Ban quản lý dự án 6 đã có tờ trình đề nghị Bộ GTVT phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng số 39 trạm, trong đó có 5 trạm đã đầu tư.

Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được đề xuất chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 là các công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí): Bãi đỗ xe; Không gian nghỉ ngơi; Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; Khu vệ sinh; Nơi cung cấp thông tin; ….

Nhóm 2 là các công trình dịch vụ thương mại: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; Trạm cấp nhiên liệu; Trạm sạc điện; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; Nơi rửa xe; Phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.

Nhóm 3 là các công trình bổ trợ (khuyến khích).

Được biết, theo TCVN 5729:2012, trên các tuyến cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường với khoảng cách từ 50km đến 60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120km đến 200km.

Ngoài 39 trạm dừng nghỉ nằm trong quy hoạch, Ban quản lý dự án 6 đề xuất nghiên cứu bổ sung một số vị trí có địa hình, cảnh quan phù hợp (như khu vực cửa hầm Thần Vũ thuộc Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt) để bố trí các điểm dừng xe dọc tuyến, đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn cho các phương tiện lưu thông, nhu cầu thắng cảnh và tạo điểm nhấn trên tuyến.

Cần Thơ thông tin tiến độ 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn thành phố

Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ thông tin về tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn thành phố.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công vào ngày 1/1/2023.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được khởi công vào ngày 1/1/2023.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) có chiều dài tuyến cao tốc thuộc địa bàn TP. Cần Thơ là 0,6 km; tổng chiều dài tuyến nối 9,252 km (Đoạn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu - Nút giao IC2 là 2,252 km; đoạn từ nút giao IC2 - Quốc lộ 1 là 7 km).

Tổng diện tích giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn TP. Cần Thơ khoảng 54,3 ha, bao gồm: Đoạn tuyến chính cao tốc dài khoảng 0,6 km và nút giao IC2, diện tích 29,7 ha; đoạn tuyến nối từ Quốc lộ Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 dài 2,25 km, diện tích 6,7 ha; đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 1 đến nút giao IC2, dài 7 km, diện tích khoảng 17,9 ha. Tổng số hộ dân ảnh hưởng Dự án khoảng 638 hộ. Hiện đã kiểm đếm được 638/638 hộ, đạt 100%, dự kiến nhu cầu bố trí tái định cư khoảng 170 hộ với 205 nền. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã chuyển đủ kinh phí theo dự án được duyệt là 618,1 tỷ đồng.

Đến nay, TP. Cần Thơ đã chỉ trả được 320 hộ, diện tích 25,2 ha, với số tiền 576,6 tỷ đồng (giải ngân đạt 95,7%). Đang khẩn trương xem xét để chi trả hết số tiền còn lại là 41,7 tỷ đồng.

Về việc bàn giao mặt bằng, ngày 1/12/2022, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã nhận bàn giao mặt bằng đoạn tuyến nối cao tốc dài 2,25 km, diện tích 6,7 ha. Ngày 20/3/2023, đã bàn giao 19,4 ha/29,7 ha diện tích mặt bằng đoạn nút giao IC2. Hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai thi công đoạn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu - Nút giao IC2 dài 2,252 km và nút giao IC2.

Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ cho biết, Thành phố tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về nhu cầu vốn còn lại để hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án trong quý II/2023.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-BGTVT ngày 13/7/2022, có tổng chiều dài toàn tuyến 37,65 km, với tổng mức đầu tư 10.370,74 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND TP. Cần Thơ tổ chức thực hiện. Thời gian hoàn thành dự án năm 2025.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài là 37,42 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 9.725 tỷ đồng. UBND TP. Cần Thơ giao Ban Quản lý dự án TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ (đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai) có khoảng 952 trường hợp bị ảnh hưởng bởi Dự án (huyện Vĩnh Thạnh 210 trường hợp; huyện Cờ Đỏ 384 trường hợp; huyện Thới Lai 358 trường hợp).

Hiện nay, các địa phương đang triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án như: đã hoàn thành đo đạc hồ sơ kỹ thuật đất, ban hành thông báo thu hồi đất để phục vụ các bước tiếp theo (huyện Vĩnh Thạnh 86,25 ha; huyện Cờ Đỏ khoảng 97,62 ha; huyện Thới Lai 80,58 ha); đã kiểm đếm được 952/952 trường hợp (huyện Vĩnh Thạnh 210/210 trường hợp; huyện Cờ Đỏ 384/384 trường hợp; huyện Thới Lai 358/358 trường hợp); nhu cầu tái định cư dự kiến khoảng 260 nền.

Về công tác lựa chọn các đơn vị bước thiết kế kỹ thuật, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng các gói thầu.

Trong quý II/2023, hoàn thành lập và thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng để trình thẩm định dự kiển ngày 20/4/2023. Triển khai công tác chỉ định thầu để ngày 30/6/2023 khởi công Dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập.

Tổng mức đầu tư Dự án là 44.691 tỷ đồng; hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Bình Định yêu cầu đầu tư hệ thống thu gom nước thải cho 28 cụm công nghiệp

Tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định phê duyệt Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Phương án này, toàn bộ các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống thu gom nước thải (bao gồm cả nước thải sản xuất và sinh hoạt), tách riêng với hệ thống thu gom và thoát nước mưa.

Tỉnh Bình Định đã phê duyệt Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề .
Tỉnh Bình Định đã phê duyệt Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề .

Các CCN có lượng nước thải hiện tại hoặc dự báo đến năm 2025 từ 50m3/ngày đêm trở lên phải ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và trạm quan trắc tự động. Các CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung phải khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đầu tư nâng cấp, cải tạo để đưa vào hoạt động đảm bảo; yêu cầu toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN phải thu gom nước thải đảm bảo và đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của CCN…

Đối với làng nghề, tỉnh Bình Định yêu cầu các làng nghề phát sinh lượng nước thải sản xuất lớn (từ 50m3/ngày/đêm trở lên) mới xem xét việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung phù hợp với đặc điểm ngành nghề và phân bố các hộ sản xuất trong làng nghề.

Các làng nghề có phát sinh lượng nước thải lớn hơn 50 m3/ngày/đêm nhưng chủ yếu là nước thải sinh hoạt sẽ không đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; khuyến khích các hộ gia đình tái sử dụng nước thải sản xuất và tự xử lý (nước thải sản xuất và sinh hoạt) bằng các công trình vệ sinh tương tự như các khu dân cư ở khu vực đô thị và nông thôn.

Lưu ý các làng nghề nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà trong yêu cầu khắc phục ô nhiễm là phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung…

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Định có 47 CCN đang hoạt động. Theo kế hoạch của tỉnh, thời gian tới sẽ có 9 CCN phải ngừng hoạt động hoặc di dời. Do đó, việc xây dựng đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống thu gom nước thải theo phương án này sẽ tập trung cho 38 cụm công nghiệp. Đến nay, có 10 CCN đã đầu tư hệ thống thu gom nước thải và 28 cụm chưa thực hiện đầu tư.

Còn với các làng nghề, sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của làng nghề sản xuất bún tươi Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn trong năm 2023. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của làng nghề chế biến cá cơm khô Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Đầu tư mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của làng nghề Bún - Bánh An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn giai đoạn 2023-2025…

Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 62 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích hơn 1.950 ha (bình quân 31 ha/cụm công nghiệp), với 57 cụm công nghiệp đa ngành nghề và 5 cụm công nghiệp chuyên ngành.

“Bật đèn xanh” cho 2 siêu cảng tại Cái Mép - Thị Vải kết nối bến chung

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và 2 doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) là TCTT và CMIT liên quan đến việc nghiên cứu kết nối bến chung giữa hai cảng.

Khu bến cảng CMIT. (ảnh: CMIT)
Khu bến cảng CMIT. (ảnh: CMIT)

Theo đó, để thực hiện chủ trương khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng bến cảng đã đầu tư, thúc đẩy việc thu hút các tàu biển trọng tải lớn, giảm thời gian chờ đợi tàu vào làm hàng tại khu vực Cái Mép, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép TCTT và CMIT nghiên cứu phương án hợp tác hình thành bến chung giữa Bến cảng container quốc tế Cái Mép (TCTT) và Bến cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) như đề xuất của hai doanh nghiệp.

Hai doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo phương án hợp tác hình thành bến chung giữa hai cảng đáp ứng các yêu cầu về độ bền, độ ổn định kết cấu công trình, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

TCTT và CMIT phải có phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền hành trình cập rời cầu cảng đảm bảo thuận lợi, an toàn và không làm ảnh hưởng tới hoạt động, hành lang an toàn của các công trình, khu nước, vùng nước hàng hải khác trong khu vực.

“Do bến cảng Container quốc tế Cái Mép đang được TCTT quản lý khai thác theo Hợp đồng cho thuê giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, do đó hai doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các nội dung Hợp đồng cho thuê để đề xuất giải pháp hợp tác phù hợp”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Sau khi các doanh nghiệp hoàn thành và báo cáo kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam xem xét quyết định việc cho phép thực hiện phương án kết nối bến chung giữa hai cảng TCTT và CMIT, báo cáo Bộ GTVT trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Được biết, trong những năm qua, khu cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng sản lượng thông qua khá tốt ở mức hai con số, số lượng tàu mẹ cập các cảng Cái Mép đạt 33 chuyến/tuần, trong đó hai cảng CMIT và TCTT tiếp nhận tổng cộng 14 chuyến/tuần.

Kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m và xu hướng trong các năm tiếp theo các hãng tàu sẽ tiếp tục đóng mới và đưa vào khai thác những tàu có kích cỡ lớn hơn. Đồng thời các hãng tàu có nhu cầu rất lớn về kết nối hàng hóa giữa các chuyến tàu với nhau.

Tuy nhiên, do mỗi cảng chỉ có 600m cầu tàu nên khi khai thác riêng lẻ chỉ có thể tiếp nhận 1 tàu mẹ với chiều dài tàu trên 350m, với khoảng 200m cầu tàu còn lại, mỗi cảng không thể tiếp nhận thêm được 1 tàu container, chỉ có thể khai thác và lan hoặc trong tình trạng nhàn rỗi.

Như vậy, hai cảng hiện không thể tận dụng được phần năng lực dư thừa của mỗi bên. Trong khi đó, cầu bến 2 cảng có lợi thế tương đồng nhau, có cao trình bến ngang nhau, tuyến mép bến và đường ray cẩu bờ thẳng hàng và có cùng khẩu độ ray, nên có thể kết hợp với nhau tạo thành một cầu bến dài 1.200m và tiếp nhận cùng lúc 3 tàu mẹ với chiều dài trên 350m.

Thực tế khai thác, hai cảng cũng đã có sự phối hợp và hợp tác bước đầu trong thời gian qua, cụ thể là hỗ trợ xếp dỡ tàu mẹ hoặc sà lan cho nhau tại cầu bến của mình và vận chuyển hàng hóa thông qua cổng kết nối nội bộ.

“Đây là tiền đề quan trọng nhưng vẫn chưa thể giúp tận dụng công suất dư thừa và sức mạnh tổng hợp của hai cảng để phục vụ tốt hơn cho các hãng tàu và nhu cầu thị trường sắp tới”, đại diện TCTT và CMIT cho biết.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cấp nước thô gần 280 tỷ ở KKT Dung Quất

Ngày 12/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư Dự án cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất thép Hoà Phát Dung Quất.

Trong các nội dung được chấp thuận điều chỉnh của UBND tỉnh Quảng Ngãi, đáng chú ý là nâng công suất của dự án 200.000 m3/ngày, đêm.

Khu liên hợp sản xuất thép Hoà Phát Dung Quất. Ảnh minh họa
Khu liên hợp sản xuất thép Hoà Phát Dung Quất. Ảnh minh họa

Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án có công suất khoảng 50.000 m3/ngày,đêm; giai đoạn 2 được nâng lên 100.000 m3/ngày,đêm; giai đoạn 3 là 200.000 m3/ngày,đêm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng điều chỉnh mục tiêu dự án. Cụ thể, dự án được điều chỉnh mục tiêu xây dựng hệ thống cấp nước thô nhằm phục vụ sản xuất cho Khu liên hợp sản xuất thép Hoà Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất thép Hoà Phát Dung Quất 2.

Địa điểm thực hiện dự án tại Khu kinh tế Dung Quất, nằm trên địa bàn thuộc các xã Bình Phước, Bình Dương, Bình Đông và Bình Trị, huyện Bình Sơn, với diện tích mặt đất và mặt nước sử dụng khoảng 139.628m2.

Tổng vốn dự án khoảng 279,5 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần théo Hoà Phát Dung Quất đầu tư.

Tiến độ thực hiện dự án (giai đoạn 1, 2 đã hoàn thành và được cấp phép khai thác nước mặt) giai đoạn 3 (nâng công suất lên 200.000m3/ngày,đêm), từ quý I/2023 – IV/2023, hoàn tất thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng; trong thời gian 12 tháng tiếp theo (kể từ khi được bàn giao đất), sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động.

Đề nghị bỏ nội dung quy hoạch Sân bay Chu Lai thay thế Sân bay Đà Nẵng

Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã ký văn bản góp ý về quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Trong văn bản này, TP.Đà Nẵng đã góp ý về nhiều lĩnh vực trong quy hoạch của tỉnh Quảng Nam như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, cảng hàng không và cảng biển…

Đáng chú ý trong văn bản này, TP.Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam bỏ nội dung “Định hướng cảng hàng không quốc tế Chu Lai… trong tương lai dần thay thế cho Cảng Hàng không Đà Nẵng”.

Thành phố Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam chủ động cập nhật Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đề xuất quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai đến năm 2050 đều đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm, không ảnh hưởng đến phát triển của 2 cảng hàng không.

Ở lĩnh vực đường sắt, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam bổ sung định hướng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Tây Nguyên) trên bản đồ quy hoạch phương án phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Sở GTVT TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cung cấp phương án hướng tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên trong nội dung Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ KH&ĐT thông qua.

Trong lĩnh vực đường bộ, UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam rà soát, điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (CT21) đoạn qua Đà Nẵng trùng với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (vị trí chuyển tuyến tại Trạm thu phí Phong Thử để nối với thị trấn Thạnh Mỹ) theo nội dung thống nhất tại chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp QL14B trên địa phận Đà Nẵng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 lên quy mô 6 làn xe, bề mặt rộng 34m. Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị quy hoạch quốc lộ 14B đoạn qua Quảng Nam phù hợp, khớp nối đồng bộ với đoạn trên địa phận Đà Nẵng.

Đà Nẵng thống nhất đối với nội dung liên quan lĩnh vực công thương tại dự thảo Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên đối với phương án phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics, cảng cạn phụ trợ cần xem xét, tính đến định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tương ứng của các địa phương trong vùng để xác định quy mô, công suất phù hợp, tránh chồng lấn, lãng phí nguồn lực.

Trong đó, Đà Nẵng có Cảng biển Liên Chiểu đã được khởi công xây dựng, định hướng phát triển cảng tổng hợp quốc gia (loại I), đến năm 2050 có công suất đạt 50 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000DWT, tàu container có sức chở đến 8.000 TEU, phát triển đồng bộ trung tâm logistics gắn với hậu cần khu bến Liên Chiểu.

Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được nâng cấp mở rộng đến năm 2030 có công suất 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm, cấp 4E với ga hàng hóa, khu logistics chuyên dụng hàng không được đầu tư xây dựng mới. Đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có công suất đạt 30 triệu hành khách/năm và 200.000 - 300.000 tấn hàng hóa/năm.

Duyệt dự án đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tháng 4/2023

Hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe đang bám sát kế hoạch đề ra.

Thông tin này được Bộ GTVT đưa ra trong báo cáo về tình hình triển khai các công trình, Dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT phục vụ kỳ họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Đây cũng là lần đầu tiên Dự án PPP đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành xuất hiện trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Theo quy hoạch được duyệt, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 140 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước 2030.

Tại văn bản số 658/TTg-CN ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Phước làm Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. UBND tỉnh Bình Phước đã chấp thuận Liên danh Vingroup - Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án.

Trong quá trình nghiên cứu Dự án, UBND tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Nhà đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 19m. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 12/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.

Thực hiện chỉ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Phước đã xây dựng, cập nhật lại phương án đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành.

Theo đó, Dự án có chiều dài khoảng 128,8 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước (101 km) và tỉnh Đắk Nông (27,8 km), quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75 m, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (quy mô 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m).

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 25.987 tỷ đồng, trong đó: chi phí xây dựng 16.609 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 4.640 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng: 1.258 tỷ đồng.

Suất đầu tư xây dựng Dự án PPP đường cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành chưa bao gồm giải phóng mặt bằng khoảng 165 tỷ đồng/km.

UBND tỉnh Bình Phước dự kiến, phần vốn nhà nước tham gia vào Dự án khoảng 9.987 tỷ đồng (chiếm khoảng 38,43% tổng mức đầu tư), trong đó ngân sách Trung ương khoảng 5.987 tỷ đồng, NSĐP khoảng 4.000 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động 16.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 61,57% tổng mức đầu tư.Thời gian hoàn vốn dự án khoảng 21 năm 4 tháng.

Hiện nay, Dự án cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 4/2023.

Để đảm bảo tính khả thi Dự án, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh 5.987 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 và các nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện dự án.

“Trong bối cảnh cơ cấu ngân sách của Bình Phước chưa thật sự bền vững (thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuế đất trả tiền một lần chiếm đến gần 49% thu ngân sách địa phương được hưởng), nếu không có sự hỗ trợ của Trung ương, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối vốn cho các dự án phát triển, trong đó có tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết.

Thái Nguyên quy hoạch trường đua ngựa 100 ha, vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh này sẽ có Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, thương mại, du lịch kết hợp trường đua ngựa Núi Văn Núi Võ tại huyện Đại Từ. Dự án nằm trong danh sách ưu tiên mời gọi đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách của tỉnh với quy mô 100 ha, tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.

Trước đó, tháng 3/2021, UBND xã Văn Yên, huyện Đại Từ công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Núi Văn Núi Võ. Khu vực lập quy hoạch tại hai xã Ký Phú và Văn Yên, giáp với tỉnh lộ 261. Các công trình xây mới trong khu vực quy hoạch sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch như tìm hiểu lịch sử, tham quan thắng cảnh thiên nhiên, leo núi, thăm hang động và đua ngựa.

Ngoài dự án trên, Thái Nguyên còn quy hoạch 13 sân golf tại TP Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và các huyện Đại Từ, Phú Bình, Đông Hỷ.

Một số dự án quy mô từ 100 đến 130 ha được tỉnh đưa vào kế hoạch phát triển và ưu tiên thu hút đầu tư là Khu đô thị sinh thái thể thao Hồ Ghềnh Chè (TP Sông Công), Sân golf Quân Chu, Khu thể thao sân golf Tân Thái (huyện Đại Từ)...

Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các sân golf sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

Đối với các khu du lịch, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các khu du lịch bao gồm: Hồ Núi Cốc; Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Quần thể hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, các hang động trên địa bàn huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa; Khu vực đông Tam Đảo, rừng Khuôn Mánh (huyện Võ Nhai); Khu du lịch sinh thái hồ Ghềnh Chè ( Sông Công); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Suối Lạnh ( Phổ Yên); Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh (Phú Bình); Khu di tích Đình Đền Chùa cầu Muối (Phú Bình); Khu di tích Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ); Khu di tích Lý Nam Đế (Phổ Yên).

Hiện Thái Nguyên đã quy hoạch một số khu chức năng có sân golf như: Khu nhà ở sinh thái, học viện golf kết hợp vui chơi giải trí hồ Kim Đĩnh, huyện Phú Bình (diện tích 602,3 ha); Khu đô thị, dịch vụ thể thao, sân golf phường Châu Sơn, TP Sông Công (diện tích 309 ha); Sân golf hồ Núi Cốc, dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, xã Phúc Trìu, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên (diện tích 118 ha); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khu thể thao sân golf phục vụ cộng đồng Hồ Suối Lạnh, Xã Thành Công (diện tích 440 ha).

Về các khu du lịch, nghỉ dưỡng khác, Thái Nguyên có: Khu nghỉ dưỡng, thể thao vui hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (diện tích 495 ha); Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao đông Tam Đảo, xã Vạn Phái, Đắc Sơn, Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận và phường Bắc Sơn, Phổ Yên (diện tích khoảng 5.600 ha); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và khu ở tại thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê, huyện Đại Từ (diện tích 498 ha)…

Với khu du lịch hồ Núi Cốc, khu du lịch này nằm ở phía nam huyện Đại Từ, cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 15 km về phía tây. Hồ Núi Cốc có diện tích 2.500 ha với 89 hòn đảo. Đây là một trong 5 khu vực trọng điểm phát triển về du lịch của Thái Nguyên (bao gồm hồ Núi Cốc; ATK Định Hóa; không gian du lịch TP Thái Nguyên và phụ cận; khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; vườn quốc gia Tam Đảo), là một trong 48 khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia (KDLQG).

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quản lý và đầu tư xây dựng nhiều khu vực trong khu du lịch hồ Núi Cốc như tại khu vực phía bắc hồ có khu huyền thoại cung là quần thể khu du lịch được đầu tư lớn nhất bao gồm tổ hợp các công trình khách sạn, nhà nghỉ, vui chơi giải trí (công viên nước, hang động nhân tạo, vườn thú,...), ăn uống, tham quan,... Ngoài ra còn có các khu nhà nghỉ ngành Than, ngành Thuế, khu nhà nghỉ người có công, nhà nghỉ quân đội... và các nhà nghỉ tư nhân nhỏ lẻ.

Tại khu vực phía nam hồ Núi Cốc có khu du lịch Phương Nam mới được đầu tư xây dựng với quy mô lớn.

Năm 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt quy hoạch vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện khu vực này vẫn chưa có quy hoạch phân khu, các dự án thu hút đầu tư vào đây vẫn chưa nhiều. Hoặc những dự án được chấp thuận nhưng chưa triển khai, một số dự án đang triển khai nhưng tiến độ chậm, một số dự án không triển khai hoặc xin rút đầu tư, chưa đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và phát triển tiềm năng danh lam thắng cảnh của vùng hồ Núi Cốc theo các chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định phấn đấu trước năm 2025 Khu du lịch hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là KDLQG. Đến năm 2030, KDLQG Hồ núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại.

Về du lịch nghỉ dưỡng, một số dự án được quy hoạch đến năm 2030 gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, Khu du lịch nghỉ dưỡng Eco Valley (TP Thái Nguyên), Làng sinh thái Núi Cốc Escape (TP Phổ Yên), Tổ hợp du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Thâm Bây (huyện Định Hóa)...

Quảng Nam: Đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư khu tái định cư Phong Thử 1

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại thôn Phong Thử 1 (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn)

Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại thôn Phong Thử 1 được tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án trong tháng 8/2013 và điều chỉnh vào tháng 7/2014 với quy mô 81.571m2, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện hơn 55.000m2, giai đoạn 2 thực hiện 26.527m2

Thị xã Điện bàn đã phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công theo quy mô giai đoạn 1. Sau đó thực hiện thi công theo quy mô 5,5ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tham mưu UBND Thị xã Điện Bàn trình UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất dừng thực hiện dự án vào tháng 5/2018, với quy mô giảm từ 81.571m2 xuống còn 55.044m2. Lý do điều chỉnh giảm là do đã bố trí đủ đất tái định cư cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Công trình Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại thôn Phong Thử 1 có tổng mức đầu tư hơn 95 tỷ đồng, dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng hơn 17 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, do chính sách đền bù thay đổi, giá cụ thể tăng nên các Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng so với Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Tuy nhiên việc thay đổi cơ cấu khoán mục chi phí này không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Để có cơ sở quyết toán công trình nêu trên, Thị xã Điện Bàn đề nghị tỉnh Quảng Nam điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại thôn Phong Thử 1 với quy mô từ 81.571m2 xuống còn 55.044m2.

Ngoài ra, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại thôn Phong Thử 1 từ hơn 95 tỷ đồng, xuống còn hơn 77 tỷ đồng.

Đề xuất kéo dài thời gian triển khai tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đến năm 2032

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương, trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án với thời gian hoàn thành đưa vào khai thác năm 2030 và 2 năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành (đến năm 2032).

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao UBND TP.HCM căn cứ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh Dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.

UBND TP.HCM cũng sẽ phải phối hợp với Bộ tài chính, các Nhà tài trợ để giải quyết công việc liên đến Hiệp định vay vốn của Dự án theo quy định và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án, giám sát, hoàn thành dự án trong thời gian đề nghị gia hạn, sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

“Trường hợp Dự án không hoàn thành đúng thời hạn đã được phê duyệt, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành”, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất.

Vào đầu tháng 7/2022, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương.

UBND TP.HCM đã đưa ra các nhóm lý do dẫn đến phải điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, bao gồm: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc về thủ tục thu hồi đất; công tác đấu thầu và trao thầu gói thầu chính phải thực hiện hủy thầu để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý; công tác đàm phán phụ lục hợp đồng cho các công việc phát sinh, quá trình đàm phán kéo dài nhưng vẫn không đạt được sự thống nhất, Tư vấn đơn phương ra thông báo kết thúc Hợp đồng dẫn đến tiến độ dự án đã bị ảnh hưởng; ảnh hưởng công tác cập nhật Hồ sơ mời thầu, mời thầu lại các gói thầu chính của dự án…

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương có tổng chiều dài 11,042 km (trong đó đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,091 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1.951 km).

Dự án có điểm đầu tại ga Bến Thành (quận 1), điểm cuối tại depot Tham Lương (quận 12) bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động…

Công trình bao gồm 9 gói thầu chính: Gói thầu CP0: Di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; Gói thầu CP1: Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương; Gói thầu CP2: Hạ tầng cơ sở depot Tham Lương; Gói thầu CP3a và CP3b: Đường hầm và các ga ngầm; Gói thầu CP4: Cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot; Gói thầu CP5: Cơ và Điện hệ thống; Gói thầu CP6: Công trình đường ray; Gói thầu CP7: Cơ và Điện không hệ thống.

Tổng mức đầu tư Dự án là 47.890,84 tỷ đồng, tương đương 2.093,59 triệu USD; thời gian thực hiện dự án là từ 2010 đến 2026.

Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án quan trọng quốc gia tại Khánh Hoà

Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo tờ trình, Dự án thuộc loại quan trọng Quốc gia do có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 75,58 ha đất rừng, trong đó có 59,95 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng .

Về phạm vi, Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại km 16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh. Điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, tỉnh Ninh Thuận.

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đầu tư 56,9 km đường cấp III miền núi , đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74 km, mở mới 37,16 km. Trong đó, đoạn giữa làm mới với chiều dài 30,25 km đi qua khu vực địa hình khó khăn, độ dốc cao, áp dụng vận tốc thiết kế Vtk =40Km/h để hạn chế đào sâu, đắp cao, giảm tác động đến môi trường, giảm diện tích chiếm dụng đất rừng.

Sơ bộ tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 128,96 ha, trong đó: đất nông nghiệp 37,18 ha; đất ở khoảng 7,26 ha; đất rừng 75,58 ha, đất khác khoảng 8,95 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 211 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11 hộ.

Diện tích chiếm dụng đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng với tổng diện tích khoảng 75,58 ha, trong đó: huyện Khánh Vĩnh khoảng 40,37 ha, huyện Khánh Sơn khoảng 35,21 ha.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, phân chia thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Dự án thành phần xây lắp.

Sơ bộ tổng mức đầu tư: khoảng 1.929,882 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 101,97 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 1.464,318 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 95,181 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 249,52 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế: 18,893 tỷ đồng.

Phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn được Chính phủ trình là từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng: 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2021 - 2025 là 121,994 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 808,006 tỷ đồng.

Dự kiến tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Đề xuất cơ chế đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Trong thời gian qua, đã có một số dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Cần Thơ không thu hút được dự án đầu tư mới trong quý I/2023

Tại cuộc họp các cơ quan báo chí định kỳ quý I/2023 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 14/4, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, trong quý I/2023, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,02% so cùng kỳ năm 2022.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước.

Về thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước hực hiện 28.684 tỷ đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh doanh thu dịch vụ ước thực hiện 534 triệu USD, tăng 5,75% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện gần 130 triệu USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan du lịch tại TP. Cần Thơ ước đạt 1,514 triệu lượt khách, tăng 76% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.471 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch năm, tăng 134% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, trong quý I/2023, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 1.649/9.260 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch. Trong đó, các nguồn vốn đầu tư công do thành phố quản lý giải ngân 1.201/8.036 tỷ đồng, đạt 14,9% kế hoạch năm 2023.

Mặc dù kinh tế - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, tuy nhiên tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư ngoài nhà nước trong quý I/2023 của TP. Cần Thơ chưa có chuyển biến tích cực.

Trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố có 395 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.759 tỷ đồngg, đạt 12,56% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký giảm 38,8% và số vốn đăng ký mới giảm 24,6%.

Đối với thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), trong quý I/2023, trên địa bàn thành phố chưa có Dự án mới nào được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tương tự, đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý I/2023, thành phố chỉ điều chỉnh 1 dự án với vốn đầu tư tăng 38,8 triệu USD, đồng thời chấm dứt 1 dự án với vốn đầu tư đăng ký 1 triệu USD.

Riêng các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, trong quý I/2023 đã điều chỉnh 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đầu tư tăng thêm 51,54 triệu USD.

Tập đoàn Trung Thuỷ chính thức khởi động Khu Du lịch Sinh thái Nam Ô

Ngày 15/4, Tập đoàn Trung Thủy chính thức khởi động Dự án Khu Du lịch Sinh thái Nam Ô.

Theo thông cáo của Tập đoàn Trung Thuỷ, Dự án có tổng diện tích 35ha bao gồm 25ha dự án, 10ha diện tích bờ biển, trải dài trên 3km đường bờ biển và đặc biệt là nằm ngay trong lòng làng chài Nam Ô, Khu du lịch sinh thái Nam Ô sở hữu hệ tiện ích cao cấp với nhiều hạng mục quy mô, kiến trúc ấn tượng kế thừa từ những câu chuyện đầy cảm hứng của mảnh đất này.

Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành nên một điểm đến độc đáo trên tuyến hành trình di sản Huế - Đà Nẵng – Hội An.

Bà Dương Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy cho biết, trên tinh thần cầu thị và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực triển khai đầu tư các Dự án bất động sản, Tập đoàn Trung Thủy xác định Khu Du lịch Sinh thái Nam Ô là dự án có ý nghĩa chiến lược, tiền đề để Tập đoàn triển khai các dự án quan trọng tiếp theo tại địa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đồng hành phát triển cùng Thành phố Đà Nẵng.

“Tập đoàn Trung Thủy lần đầu đặt chân tới Nam Ô vào năm 2009 với sứ mệnh góp phần nhỏ xây dựng Đà Nẵng trở thành một điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thay đổi đời sống của người dân ngày càng tốt hơn. Tận dụng thế mạnh du lịch của con đường di sản miền Trung, Tập đoàn Trung Thuỷ và người dân Nam Ô sẽ cùng nhau biến Nam Ô trở thành nơi phải đặt chân đến khi khách du lịch đi qua vùng đất di sản miền Trung”, bà Dương Thanh Thủy chia sẻ.

Tại lễ khởi động, Tập đoàn Trung Thuỷ cũng công bố Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cộng đồng địa phương tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Thủy và bà Nguyễn Thị Thùy Phương – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam – đã trao tặng 50 suất hỗ trợ cho 50 trường hợp hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại làng Nam Ô. Tổng trị giá 50 suất hỗ trợ lên tới hơn 600 triệu đồng và kéo dài trong 2 năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Trung Thuỷ cũng trao tặng 50 xe bán hàng ăn vặt cho người dân làng Nam Ô với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Việc trao tặng xe bán hàng sẽ giúp hỗ trợ sinh kế, giúp người dân chủ động có thêm nguồn thu nhập khác thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngành nghề đánh bắt truyền thống đang dần thu hẹp. Đồng thời, kế hoạch triển khai đồng bộ tuyến phố ăn vặt dọc theo Công viên Nguyễn Tất Thành sẽ góp phần tạo một điểm đến mới thu hút du khách khi tới Đà Nẵng.

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư là dự án trọng điểm, quan trọng trên lĩnh vực dịch vụ du lịch, để phát triển du lịch khu vực phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng; tuy nhiên do có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, nghĩa vụ tài chính, giải phóng mặt bằng nên dự án chậm triển khai.

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.800 tỷ đồng. Quy mô dự án đầu tư xây dựng Khu nhà phố kinh doanh, biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà nổi Club house, khối khách sạn cao tầng, khu căn hộ du lịch điểm nhấn và các công trình phụ trợ đi kèm.

Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 439/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.

Kinh phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm; thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2025.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây (nếu có); tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.

Dự án cao tốc TP.HCM-Trung Lương có chiều dài toàn tuyến 61,9 km, trong đó tuyến chính cao tốc dài 39,8 km, các tuyến đường nối, đường dẫn dài 22,1 km, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2004, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 2/2010.

Cao tốc TPHCM-Trung Lương có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và 2 làn khẩn cấp, cứu hộ, bắt đầu thu phí từ năm 2011 và đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí.

Tuyến cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) quản lý. Sau khi dừng thu phí, từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến.

Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe… diễn ra thường xuyên.

Trước đó, cuối tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (là các nhà đầu tư đã đề xuất các phương án khả thi và phù hợp với quy định của Luật PPP) về nội dung đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng cũng đã khẳng định việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP.HCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý tiến hành nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1. Đồng thời thống nhất giao UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 Dự án Trung lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 Dự án TP.HCM - Trung Lương.

Về phía các địa phương gồm UBND TPHCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Căn cứ vào đề nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP.HCM, Long An, Tiền Giang về việc đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Dự kiến đầu tư trên 8.000 tỷ đồng nâng cấp 7 km Quốc lộ 91 qua Cần Thơ

Thông tin với các phóng viên tại cuộc họp các cơ quan báo chí định kỳ quý I năm 2023 do UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 14/4, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn từ Km0 - Km7 (qua TP. Cần Thơ) đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất phương án.

Về Dự án này, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển thông tin thêm, công trình chỉ có 7 km, nhưng qua khảo sát lại của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Cần Thơ thì chi phí đền bù dự kiến trên 7.000 tỷ đồng, mỗi căn nhà mặt tiền gồm nhà và đất cũng cả chục tỷ đồng, các căn nhà còn lại cũng từ 5-7 tỷ đồng/căn, đây là chi phí rất cao. Trong khi đó, chi phí xây lắp là khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

“Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn cho TP. Cần Thơ. Nếu thuận lợi thì chúng ta sẽ được trong đợt 1 khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện ngay. Dự kiến số vốn này tập trung trong hai năm 2023 - 2024 mà thôi, để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ cho giải phóng mặt bằng", ông Dương Tấn Hiển cho biết.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đi qua TP. Cần Thơ được Bộ Giao thông vận tải đầu tưvới 3 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km7- Km14 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 với quy mô mặt cắt ngang 37 m. Đoạn từ Km14 - Km50+899 đầu tư theo hình thức BOT, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015, với quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng 12 m.

Riêng đoạn từ Km0 - Km7, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định phê duyệt dự án từ năm 2008 với tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng, sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Dự án đang triển khai dở dang công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì bị đình hoãn theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ.

Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2014, UBND TP. Cần Thơ đã bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn 7 km còn lại này để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng.

Đến năm 2020, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị UBND TP. Cần Thơ tiếp nhận lại dự án và chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, TP. Cần Thơ vẫn chưa thể bố trí được vốn nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Quốc lộ 91 từ Km0 - Km7 (có tên đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Lê Hồng Phong, đi qua địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy- TP. Cần Thơ) là một trong những tuyến đường huyết mạch trong nội ô TP. Cần Thơ, đồng thời là cửa ngõ kết nối trung tâm TP. Cần Thơ với Cảng Cần Thơ, Khu công nghiệp Trà Nóc, tỉnh An Giang, Kiên Giang… Tuyến đường này có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhất là vào các giờ cao điểm; do đường hẹp, xuống cấp, lại thường xuyên bị ngập nước vào mùa triều cường… nên gây khó khăn cho việc lưu thông.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục