Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ Tài chính nêu quan điểm về tách Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ tài chính vừa có công văn số 9733/BTC – ĐT gửi Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự ánthành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hợp đồng BOT.
Phần lớn đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn dang dở dù triển khai thi công từ 2 năm qua. |
Liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2 thuộc dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Tài chính cho biết là đã ý kiến có gửi Hội đồng thẩm định liên ngành về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh bổ sung dự án, tính toán phương án tài chính và điều chỉnh bổ sung hợp đồng của UBND tỉnh Lạng Sơn chưa đảm bảo rõ ràng về cơ sở pháp lý của phương án tỉnh triển khai. Bộ Tài chính đề nghị xác định rõ đây là 1 dự án hay 2 dự án độc lập.
Thực tế dự án thành phần 1 (tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) với tổng mức đầu tư là 12.188 tỷ đồng và đã đi vào khai thác từ tháng 1/2020; Dự án thành phần 2 có tổng mức đầu tư là 8.743 tỷ đồng khởi công năm 2018, hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và bàn giao cho nhà đầu tư được 8,5km/43,6km (đạt 20%).
Như vậy, quy mô vốn đầu tư của các dự án thành phần là khá lớn, trong đó dự án thành phần 1 đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đang trong giai đoạn khai thác thu hồi vốn đầu tư.
Liên quan đến việc tách Dự án thành phần 2 thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập, Bộ Tài chính đánh giá đề xuất (nêu trên) sẽ dẫn đến việc thay đổi một số nội dung so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chấm dứt các quy định liên quan đến triển khai thực hiện dự án thành phần 2 đã được quy định tại các Phụ lục hợp đồng đã ký kết.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Cơ quan ký kết hợp đồng phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi chấm dứt hợp đồng.
Do đây là tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT đã ký, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư PPP theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Đầu tư theo phương thức PPP) về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tách dự án thành phần 2 thành dự án độc lập và chấm dứt các quy định liên quan đến triển khai dự án thành phần 2 đã được ký kết giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo đúng quy định của pháp luật về PPP và pháp luật khác có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp dự án thành phần 2 được cấp có thẩm quyền cho phép tách thành dự án độc lập theo đúng quy định của pháp luật, việc triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 (giao cơ quan có thẩm quyền và lựa chọn nhà đầu tư), Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về PPP và các pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chịu trách nhiệm về hệ quả pháp lý có thể phát sinh khi thực hiện chấm dứt hợp đồng Dự án thành phần 2; giải quyết các nội dung cần thiết với nhà đầu tư đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và lợi ích của các bên liên quan, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.
Vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn số 920/UBND – KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh này và các nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án của Dự án thành phần 2 hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng. Để đảm bảo tính khả thi tài chính, vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép triển khai Dự án thành phần 2 theo quy định của Điều 70 luật đầu tư PPP, với tổng mức đầu tư là 7.609 tỷ đồng gồm vốn nhà nước 3.500 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng thay vì nhà đầu tư phải bỏ 100% vốn.
TP.HCM một loạt dự án hạ tầng lớn sẽ hoàn thành trong 3 năm tới
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư danh mục các công trình giao thông trọng điểm sẽ khởi công và hoàn thành từ nay đến năm 2025 tại TP.HCM. Các công trình này nhằm tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành vào năm 2024 -Ảnh: Lê Toàn |
Theo danh mục, sẽ có 17 Dự án hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025 và 11 dự án sẽ khởi công trong 3 năm tới.
Cụ thể, một số dự án hoàn thành năm 2024 gồm có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); 3 cây cầu: Long Kiểng (Nhà Bè), Tăng Long, Nam Lý (TP Thủ Đức)…
Các dự án hoàn thành năm 2025 gồm: 4 tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm; cầu Ông Nhiêu mới; nâng cấp đường Lương Định Của; đường trục Bắc Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức); đường Vành đai 3 TP.HCM; cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân); cầu Phước Long (quận 7 và huyện Nhà Bè)...
Trong số các dự án hoàn thành trong năm 2024 và 2025 có nhiều dự an đã bị đình trệ nhiều năm như cầu Long Kiểng (Nhà Bè), Tăng Long, Nam Lý (TP Thủ Đức)…Đặc biệt, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau rất nhiều lần trễ hẹn thì nay được ấn định hoàn thành năm 2024.
Cùng với các dự án sắp hoàn thành, TP.HCM sẽ bố trí vốn để khởi công nhiều dự án trong giai đoạn 2022 – 2025.
Trong đó có 3 dự án khởi công cuối năm 2022 hoàn thành vào năm 2025 gồm nút giao An Phú (TP Thủ Đức); đường nối Trần Quốc Hoàn và đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); mở rộng Quốc lộ 50.
Dự án lớn khởi công duy nhất trong năm 2023 là tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương).
Đối với các dự án sẽ khởi công năm 2024 gồm: 3 đoạn của đường vành đai 2 (đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội; đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); đường vành đai 4 TP.HCM (đoạn từ cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai); đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Trong năm 2025 sẽ khởi công một loạt các cây cầu gồm: cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 4, 7 và TP Thủ Đức); cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ); cầu Nguyễn Khoái (nối quận 4 và quận 7); cầu đường Bình Tiên (nối quận 6, 8 và huyện Bình Chánh)
Theo Sở GTVT TP.HCM các dự án trọng điểm được nêu trong danh mục hoàn thành và khởi công từ nay đến năm 2025 đều là những dự án có quy mô lớn, kết nối liên vùng nhưng triển khai chậm gây bức xúc dư luận, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bổ sung 6 công trình vào danh mục công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT
Trong số 6 công trình hạ tầng vừa được Thủ tướng bổ sung vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT có tới 5 dự án đường cao tốc.
Thi công hầm Thung Thi thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Thông báo số 304/TB – VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 2 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Theo đó, Thủ tướng thống nhất bổ sung các dự án đường bộ cao tốc: Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối vào nhà ga T3 vào danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT để chỉ đạo. Đồng thời bổ sung Chủ tịch UBND các tỉnh có các dự án nêu trên (gồm Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng) vào thành viên Ban Chỉ đạo.
Liên quan đến việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu các địa phương và Bộ GTVT được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng).
Đối với các dự án này, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chủ quản đầu tư khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thống nhất chỉ đạo công tác triển khai, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện bảo đảm hoàn thành đúng các mốc tiến độ theo yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Yêu cầu đặt ra là phải khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn triển khai đồng thời các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định phê duyệt dự án… bảo đảm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023.
Đối với Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC khẩn trương triển khai thi công lại, đưa dự án vào khai thác chậm nhất quý III năm 2025. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn VEC hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật.
Đối với các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà thầu khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc, sớm đưa vào vận hành khai thác các dự án (đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2022 và dự án đường sắt đô thị TP.HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên trong năm 2023).
Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp được giao chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các bên liên quan tập trung triển khai các công việc bảo đảm khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2022. Người đứng đầu Chính phủ và cũng là Trưởng ban chỉ đạo đặc biệt lưu ý công tác lựa chọn nhà thầu xây dựng phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm lựa chọn được các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm; tuyệt đối không được thông thầu, chuyển nhượng thầu sai quy định…
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết dứt điểm nguồn cung cấp cát đắp các dự án trong khu vực, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 10/2022; rà soát lại quy hoạch các mỏ cát sông bảo đảm công suất phù hợp, việc khai thác không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống của nhân dân. Tại Thông báo số 304, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các địa phương cung cấp cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 10/2022 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022.
“Trường hợp phát hiện các sai phạm, thực hiện ngay thu hồi giấy phép và đề xuất xử lý trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định pháp luật và quy định của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cục Đường cao tốc Việt Nam có chức năng quản lý đầu tư xây dựng
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1245/QĐ – BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường cao tốc Việt Nam.
Cục Đường cao tốc Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVTquản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
Một đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Cục Đường cao tốc Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại TP. Hà Nội. Cục Đường cao tốc Việt Nam có tên giao dịch bằng tiếng Anh là Viet Nam Expressway Authority (VNEA).
Trong số 15 chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường cao tốc Việt Nam đáng chú ý là việc đơn vị này được giao trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, huy động nguồn lực và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc; xây dựng chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đường bộ cao tốc; thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo phân công, phân cấp, ủy quyền; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan ký kết hợp đồng đối với các dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP.
Cục Đường cao tốc Việt Nam còn có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với dự án đường bộ cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyết định đầu tư, cơ quan ký kết hợp đồng khai thác, cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT đối với công trình kinh doanh, dịch vụ, khai thác đường bộ cao tốc và các dự án xã hội hóa của đường bộ cao tốc…
Cơ cấu tổ chức của Cục Đường cao tốc Việt Nam gồm Văn phòng; các phòng: Kế hoạch - tài chính, Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác, Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Kỹ thuật và Điều hành giao thông đường bộ cao tốc.
Khởi công Dự án thành phần 2, sân bay Long Thành trị giá 3.500 tỷ đồng
Dự án thành phần 2 trị giá 3.500 tỷ đồng thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Sáng nay (29/9), tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM đã khởi công Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Phối cảnh Đài kiểm soát không lưu Long Thành - Ảnh VATM |
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án thành phần 2 là gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và vốn vay thương mại trong nước.
Dự án bao gồm việc đầu tư công trình xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị công nghệ cho các hạng mục: Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT); Trạm radar sơ cấp/Thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến VHF không địa (PSR/SSR/Tx); Trạm thu sóng vô tuyến VHF không địa và Hệ thống giám sát tự động phụ thuộc (Rx/ADS-B); Trạm radar khí tượng; Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li (DVOR/DME); Hệ thống giám sát đa điểm (MLAT); Hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS); Hệ thống cảnh báo gió đứt; Hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay; Hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” được xây dựng trên diện tích khoảng 70.000m2. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời cảng hàng không.
Công trình được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh.
Tháp điều hành có chiều cao 123m được trang bị radar trên đỉnh tháp, diện tích xây dựng khoảng 80m2, đường kính thân tháp khoảng 10m, cabin kiểm soát tại sân có diện tích khoảng 150m2 và 2 cabin kiểm soát sân đỗ với diện tích mỗi cabin khoảng 70 m2. Các hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.
Việc đầu tư xây dựng “Các công trình phục vụ quản lý bay” là yêu cầu tất yếu khi đầu tư xây dựng công trình “Cảng hàng không quốc tế Long Thành” với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án.
Theo ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc VATM, Dự án thành phần 2 là công trình hạ tầng có quy mô lớn, công nghệ phức tạp nhất từ trước tới nay mà Tổng công ty từng thực hiện.
“Với tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia, VATM sẽ phấn đấu huy động mọi nguồn lực để hoàn thành đưa vào khai thác chính thức trong năm 2025”, ông Gia cho biết.
Dự án Thủy điện Long Sơn được yêu cầu xác định lại phương án tài chính
Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án. Vì vậy, nhà đầu tư cần xác định lại phương án tài chính cho phù hợp.
Sở tài chính tỉnh Quảng Ngãi vừa có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự ánThủy điện Long Sơn. Theo đó, ngày 30/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Long Sơn. Theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án Thủy điện Long Sơn là 325.315.740.000 đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 97.954.720.000 đồng, còn lại là vốn huy động.
Ngày 22/8/2022, Công ty cổ phần thủy điện Long Sơn đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Thủy điện Long Sơn thành 410.169.890.000 đồng. Trong đó, vốn của chủ đầu tư 123.050.969.000 đồng, còn lại là vốn huy động.
Theo Sở Tài chính, Công ty cổ phần thủy điện Long Sơn được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 4300832408, đăng ký lần đầu vào ngày 19/2/2019 và đăng ký thay đổi lần thứ 4 vào ngày 15/8/2022 với vốn điều lệ là 125 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho kỳ kế toán từ ngày 1/1/2022 đến ngày 17/8/2022, Công ty cổ phần Thủy điện Long Sơn có vốn chủ sở hữu là 124.946.663.798 đồng. Vì vậy, việc nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện Dự án Thủy điện Long Sơn thành 123.050.969.000 đồng là có cơ sở.
Tuy nhiên, ngày 19/8/2022, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Kon Tum (Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum) đồng ý cấp tín dụng tối đa 70% tổng mức đầu tư Dự án Thủy điện Long Sơn đối với Công ty cổ phần Thủy điện Long Sơn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Agribank chi nhánh Kon Tum chưa có ý kiến cụ thể về thời gian vay và lãi suất cho vay. Vì vậy, Sở Tài chính đề nghị nhà đầu tư bổ sung nội dung trên để xác định hiệu quả tài chính của dự án.
Mặt khác, Sở Tài chính cho rằng, việc xác định hiệu quả tài chính của dự án đầu tư được phân tích trên cơ sở nguồn vốn đầu tư, phương thức huy động vốn và lãi suất huy động vốn, doanh thu và các khoản chi phí. Cho nên, việc nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án. Vì vậy, nhà đầu tư cần xác định lại phương án tài chính của dự án cho phù hợp.
Đầu tư 3.904 tỷ đồng xây 2 đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nam Bộ
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận dài 51,82 km, trong đó đoạn qua Kiên Giang dài 45,22 km; đoạn qua Bạc Liêu dài 6,6 km.
Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự ánđầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận để xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận gồm 2 phân đoạn. Trong đó, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 11,2 km.
Đoạn Gò Quao – Vĩnh Thuận có điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67 – Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 – Quốc lộ 63) thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 40,62 km. Tổng chiều dài Dự án nghiên cứu là 51,82 km gồm đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 45,22 km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 6,6 km.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận có quy mô đường cấp III, 4 làn xe.
Căn cứ số liệu tính toán dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến; căn cứ vào nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, sau khi tính toán sơ bộ, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư mặt cắt ngang quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án dự kiến xây dựng 26 cầu, trong đó có 3 cầu lớn vượt sông lớn: cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 3.904,66 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị là 2.703,35 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 522,59 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 229,79 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 448,93 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Dự án là vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đã được bố trí cho Bộ GTVT.
Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án phù hợp với mức vốn dự kiến phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đảm bảo khả năng cân đối vốn trong tổng mức kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ thông báo. Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT để bố trí cho dự án làm cơ sở triển khai thực hiện.
Do tính chất quan trọng của Dự án và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ GTVT và các địa phương sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công dự án và dự kiến tiến độ triển khai như sau: chuẩn bị dự án vào năm 2022; GPMB, tái định cư từ năm 2022 - 2023 phấn đấu cơ bản đạt 90% - 95%; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Theo Bộ GTVT, việc sớm đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc địa bàn hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu cùng với các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu được đầu tư trong tương lai sẽ đa dạng hóa các phương thức vận tải, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hành khách, giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông, khai thác tiềm năng lợi thế và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ góp phần nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, hình thành tuyến đường đi qua các khu vực còn khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực rộng lớn nuôi trồng nông sản, hải sản; thay thế các phà hiện hữu.
Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất kết nối Quốc lộ 61 với các trung tâm Rạch Giá, Vị Thanh và Quốc lộ 63 đi Vĩnh Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau; đồng bộ và nâng cao năng lực vận hành khai thác trên Quốc lộ 61 hiện hữu, chia sẻ lưu lượng xe cho các tuyến đường khác trong khu vực và góp phần giảm tai nạn giao thông; tăng năng lực cạnh tranh và tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khởi công mở rộng sân bay Nội Bài vào năm 2025
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm và 1 nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 303/TB – VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không rất nhanh. Theo quy hoạch hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có công suất đến năm 2020 là 20-25 triệu hành khách/năm, định hướng sau năm 2020 là 50 triệu hành khách/năm trong khi đó năm 2019 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phục vụ hơn 29 triệu hành khách/năm.
“Nếu không kịp thời quy hoạch, đầu tư mở rộng sẽ không đáp ứng được nhu cầu, gây ùn tắc, quá tải. Do đó cần quan tâm đầu tư sớm, đáp ứng tăng trưởng của thị trường”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ Thủ đô đón khách quốc tế đến bằng đường hàng không, do đó, cần xác định quan điểm đầu tư Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô lớn, hiện đại, tầm cỡ quốc tế, có tầm nhìn xa, khẳng định vị thế đất nước và là công trình bền đẹp để lại cho mai sau.
Các bộ, ngành đều nhất trí với phương án đề xuất quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, quy mô đến năm 2050 đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, phương án quy hoạch phải phục vụ cho phát triển lâu dài của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm, do đó yêu cầu quá trình triển khai phải chặt chẽ về pháp lý.
“Bộ Quốc phòng sớm có văn bản gửi Bộ GTVT về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đặc biệt là việc sử dụng đất quốc phòng. ACV khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định; phấn đấu khởi công công trình vào năm 2025”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tư vấn ADPi của Pháp - một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới được chọn là đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
ADPi đã bắt đầu thực hiện xây dựng quy hoạch từ tháng 6/2019. Đến cuối năm 2020, Tư vấn ADPi đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ. Quy hoạch đã được ADPi tính toán và kiểm chứng kỹ lưỡng các dữ liệu.
Quy hoạch đã được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 7/9 Bộ và TP. Hà Nội.
Theo đó, TP. Hà Nội cơ bản thống nhất với phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 là 15 triệu khách/năm, nhà ga T2 là 10 triệu khách/năm). Nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm.
Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 3 đường cất hạ cánh; 3 nhà ga hành khách (trong đó mở rộng nhà ga hàng khách T2 hiện hữu để hệ thống nhà ga T1+T2 đạt tổng công suất 30 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu hành khách/năm).
Đến năm 2050 xây dựng 4 đường cất hạ cánh và xây mới thêm 1 đường cất hạ cánh phía Nam; 4 nhà ga hành khách. Hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ.