Nhận định được nêu ra tại Hội nghị về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ do Bộ GTVT và UBND TP. Cần Thơ tổ chức sáng 30/9.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, sông Hậu và các cảng ở ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Trong nhiều chục năm qua, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương nghiên cứu các phương án nạo vét, chỉnh trị luồng sông Hậu.
Tuy nhiên, luồng sông Hậu có đặc điểm phía bên trong thì rất sâu nhưng phía ngoài cửa thì cạn, đây là điểm nghẽn. Bộ GTVT đã chỉ đạo và có nhiều tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu các giải pháp nạo vét, đảm bảo ổn định, độ sâu, đáp ứng cho tàu nhiều kích thước khác nhau…
“Chúng ta cũng đã bỏ nhiều tiền vào cửa Định An, từ việc nghiên cứu, nạo vét, duy tu… Tuy nhiên, kết quả không đạt được như mong muốn”, ông Sang nói.
Trước tình hình đó, những năm 2008, 2009, Bộ GTVT kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội cho phép triển khai dự án đào tuyến luồng kênh Quan Chánh Bố. Hiện nay về cơ bản đã hoàn tất đầu tư xây dựng tuyến luồng này cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải đến 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng ở sông Hậu.
Dẫu vậy, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là xói lở hai bên bờ, vị trí đổ thải các chất nạo vét, duy tu… nên có những lúc nạo vét duy tu không đạt được độ sâu thiết kế ban đầu (-6,5m). Vậy nên, cửa Định An vẫn là mục tiêu nhận được nhiều quan tâm để có thêm luồng cho tuyến vận tải thủy này.
Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ là một trong những nội dung tại Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù TP. Cần Thơ. Dự án đã được Bộ GTVT đưa vào danh mục các tuyến luồng kêu gọi xã hội hóa đầu tư, với mục tiêu cho tàu 5.000 tấn. Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam và Cục đã chỉ định tư vấn chuyên ngành để lập dự án.
“Bộ GTVT đã cập nhật và đang giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu để có thể có được dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, với quy mô lớn hơn quy mô 5.000 tấn”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo theo Nghị quyết 45, Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư (miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ hôm 10/7/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Trước mắt, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố; Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để nghiên cứu nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khó khăn khi nạo vét duy tu luồng Định An là lượng phù sa bồi đắp hàng năm rất lớn do phù sa từ sông Hậu đổ ra, ảnh hưởng bởi hình thái cửa sông, chế độ bán nhật triều và dòng hải lưu Bắc – Nam tạo nên ngưỡng cạn ngoài cửa; tốc độ bồi lắng luồng rất nhanh và không ổn định theo các năm, không có điều kiện để nạo vét quy mô lớn do luồng cạn, không thể đưa tàu nạo vét cỡ lớn vào thi công, thời gian thi công hạn chế, mỗi đợt chỉ có thể thực hiện từ 2-3 tháng.
Các cồn cát ngoài cửa liên tục dịch chuyển theo từng mùa từng năm và không thể dự đoán chính xác để có giải pháp thích hợp nhất cho việc chỉnh trị dòng sông.
Cho đến hiện nay, giải pháp duy nhất là tiến hành đo mở rộng trên khu vực cửa biển, chọn lựa tuyến tự nhiên có độ sâu tốt nhất để tiến hành lập thiết kế nạo vét duy tu…
Một khó khăn khác theo đơn vị tư vấn là trong quy mô dự án chưa có kinh phí để lập mô hình tính toán sa bồi hàng năm, khảo sát địa chất tới cao độ nạo vét -6,5m nên tư vấn thiết kế chưa có đủ cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư cho phương án nạo vét cho tàu có trọng tải 10.000 tấn hành hải trên tuyến luồng này.
Tuyến luồng Định An - Cần Thơ có tổng chiều dài 121,5 km. Trong đó, đoạn ngoài từ phao số 0 đến 14 (dài 16 km) có bề rộng thiết kế 100 m, độ sâu -4,2 m, cho tàu 3.000 tấn đầy tải và 5.000 tấn giảm tải lợi dụng triều ra vào cảng. Đoạn này diễn biến hết sức phức tạp, thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao để chạy tàu. Còn đoạn từ phao số 14 vào đến cảng Cần Thơ có bề rộng thiết kế 200 m, độ sâu tương đối lớn, khá ổn định và hàng năm không phải nạo vét duy tu.