Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Indonesia tăng gấp đôi

(ĐTCK) Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Indonesia đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2015. Đây là “quả ngọt” từ những nỗ lực thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong 2 năm qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo

9 tháng năm 2016, đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng mạnh so với khoảng 600 triệu USD cả năm 2015, theo số liệu từ Hội đồng Hợp tác đầu tư Indonesia. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã cam kết đầu tư 6,1 tỷ USD vào quốc gia Đông Nam Á này.

 Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia vào Indonesia kể từ năm 2014
Hiện tại, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Indonesia, đứng sau Singapore và Nhật Bản. Theo các chuyên gia, đây là kết quả của việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm kiếm các thị trường ngoại quốc để san sẻ phần năng lực sản xuất dư thừa của mình.

Bên cạnh đó, điều này cũng phản ánh mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa 2 quốc gia, sau khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia cách đây 5 năm; đồng thời cũng đánh dấu thắng lợi của ông Widodo với nỗ lực thúc đẩy các dự án đầy tham vọng liên quan đến việc xây dựng đường xá, cảng biển và đường sắt.

“Tiềm năng đầu tư từ Trung Quốc vào Indonesia sẽ duy trì ở mức cao trong các năm tới và sẽ giữ vững vị trị trong top 5. Thách thức lớn nhất hiện tại là làm sao biến mối quan tâm và các dự án này trở thành sự thật”, Azhar Lubis, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác đầu tư Indonesia cho biết. 

Một trong các nhà đầu tư lớn truyền thống của Indonesia là Mỹ, tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư FDI từ Mỹ vào Indonesia đã giảm từ 8,3% năm 2013 xuống 2% hiện tại, bất chấp những cam kết mạnh mẽ từ phía Tổng thống Mỹ Obama về việc thắt chặt hơn mối quan hệ với Indonesia.

 Vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đổ vào Indonesia (đường màu xanh) tăng mạnh năm 2016, trong khi từ Mỹ (đường màu đỏ) theo xu hướng giảm
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư vào Đông Nam Á với chính sách “Một vành đai, Một con đường”, nhằm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên suốt khu vực, cùng tham vọng làm hồi sinh “Con đường tơ lụa” nối liền giao thương Á – Âu. 

Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Tổng thống Jokowi đặt mục tiêu sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Indonesia lên mức 7% năm 2019. Trong tuần trước, Bộ trưởng Bộ tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, nền kinh tế quốc gia này có thể tăng trưởng 5% trong năm nay.

“Chúng tôi cần nguồn đầu tư và Trung Quốc thì lại đang thừa thãi tiềm lực. Hai đất nước đều được lợi từ mối quan hệ này”, David Sumual, nhà kinh tế trưởng tại PT Central Asia (Jakarta) nhận định.

Hà Vi (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục