Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến giới đầu tư bất an

(ĐTCK) Những diễn biến bất ngờ trái với kỳ vọng của giới đầu tư liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến chứng khoán liên tiếp giảm điểm, trong khi giá vàng được hưởng lợi để có chuỗi tăng ấn tượng.
Phố Wall có chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2008 (ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2008 (ảnh minh họa: AFP)

Sau 7 phiên giảm điểm liên tiếp do lo ngại xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi ông Trump vươn lên mạnh mẽ, thậm chí có lúc đã vượt bà Clinton trong các cuộc thăm dò, phố Wall đã phục hồi trở lại trong phiên sáng thứ Năm khi giới đầu tư phấn chấn với thông tin bên kia bờ Đại Tây Dương.

Cụ thể, Tòa án Anh phán quyết rằng chính phủ cần quốc hội thông qua các cuộc đàm phán liên quan đến việc chia tay Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Điều này có nghĩa là Quốc hội Anh có thể bác bỏ Brexit, dù Chính phủ Anh cho biết sẽ kháng cáo.

Tuy nhiên, trong phiên chiều nỗi lo về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng đà giảm của cổ phiếu Facebook khiến phố Wall đảo chiều và có phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp, chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, năm 2008.

Phố Wall trước đó đã gần như “bỏ phiếu” cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, nên việc ông Trump vươn lên khiến giới đầu tư lo lắng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng, thị trường tài chính toàn cầu sẽ có cú sốc giống như Brexit. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, bà Clinton chỉ dẫn trước ông Trump rất sít sao, nên cục diện của cuộc đua vẫn chưa rõ ràng.

Ccổ phiếu Facebook giảm 5,7% khi mạng xã hôi này dự báo rằng, tốc độ tăng doanh thu trong quý cuối năm của mình sẽ chậm lại sau khi có một quý khởi sắc cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý III.

Về thông tin kinh tế Mỹ, theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 29/10 tăng thêm 7.000 người, lên 265.000 người, mức cao nhất kể từ tháng 8. Tuy nhiên, đây vẫn là tuần thứ 87 liên tiếp số người nộp đơn xin trợ cấp thấp nghiệp dưới ngưỡng 300.000 người, cho thấy thị trường lao động vẫn lành mạnh.

Tuy nhiên, những thông tin về cuộc bầu cử khiến giới đầu tư lo lắng. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đã tăng 14%, lên mức cao nhất hơn 4 tháng.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow giảm 28,97 điểm (-0,16%), xuống 17.930,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,28 điểm (-0,44%), xuống 2.088,66 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 47,16 điểm (-0,92%), xuống 5.058,41 điểm.

Tương tự phố Wall, thông tin về phán quyết của Tòa án Anh cũng giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu phấn chấn. Ngoài ra, sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhờ kết quả kinh doanh vừa công bố khả quan, cũng góp phần giúp chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại, trong phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, trong phiên chiều,  các chỉ số đã lần lượt quay đầu và có phiên giảm điểm thứ 9 liên tiếp.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 54,91 điểm (-0,80%), xuống 6.890,51 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 45,05 (-0,43%), xuống 10.326,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,99 điểm (-0,07%), xuống 4.411,68 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên nghỉ giao dịch đúng lúc, thì chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm mạnh trước lo lắng những diễn biến mới của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại có phiên phục hồi khá tốt sau dữ liệu kinh tế khả quan. Theo đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch tháng 10 của Trung Quốc tăng lên mức 52,4, từ mức 52 trong tháng 9, mức tăng mạnh nhất trong tháng 6.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 126,99 điểm (-0,56%), xuống 22.683,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng tăng 25,94 (+0,84), lên 3.128,67 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, sau khi điều chỉnh trở lại trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã bật trở lại khi bước vào phiên giao dịch Mỹ khi lo lắng của nhà đầu tư lại trở lại. Ngoài ra, đồng USD giảm giá sau quyết định không tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp kết thúc ngày trước đó cũng hỗ trợ cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này vượt qua mốc 1.300 USD/ounce khi chốt phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 3/11, giá vàng giao ngay tăng 5,7 USD (+0,44%), lên 1.302,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,9 USD (-0,37%), xuống 1.303,3 USD/ounce.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần trong phiên thứ Tư sau dữ liệu công bố cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng mức kỷ lục, giá dầu thô đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm. Giá dầu thô phục hồi trở lại nhờ thông tin về cuộc tấn công nhắm vào đường ống dầu của phiên quân tại Nigeria, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, cũng giống chứng khoán, trong phiên chiều của Mỹ, khi thông tin về sự gia tăng trong kho dự trữ tiếp tục được đưa ra, giá dầu thô đã đảo chiều giảm trở lại và có ngày giảm thứ 4 liên tiếp.

Sau khi API và EIA đưa ra con số kho dự trữ của Mỹ tăng mức kỷ lục 9,3 triệu thùng và 14 triệu thùng trong tuần trước, trong phiên thứ Năm, Genscape cho biết, kho dự trữ dầu thô tại trung tâm giao nhận Cushing, Oklahoma tăng 1,2 triệu thùng trong tuần trước. Trong khi đó, một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn chưa chắc chắn đạt được,

Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,68 USD/thùng (-1,50%), xuống 44,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,09%), xuống 46,35 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục