Đầu tư tài chính và cuộc đua trên thị trường sữa

Ngoài nguồn lực tài chính, thì tầm nhìn chiến lược và khả năng nhìn ra các cơ hội mới là chìa khóa để đưa doanh nghiệp sữa đến với ngôi vị dẫn đầu thị trường.
TH true Milk ghi nhận mức tăng trưởng khá ngoạn mục trong thời gian gần đây. Ảnh: Đức Thanh TH true Milk ghi nhận mức tăng trưởng khá ngoạn mục trong thời gian gần đây. Ảnh: Đức Thanh

Vị thế an toàn của IDP

Gần đây, thương vụ đầu tư của VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) rót 75 triệu USD vào Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) cách đây gần 5 năm lại được báo chí nhắc tới, bởi nó mang nhiều kỳ vọng sẽ đưa IDP trở thành thế lực mới trên thị trường sữa.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Cụ thể, trong năm 2018, doanh thu của IDP chỉ tăng 2%, đạt 1.317 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn lỗ 43,8 tỷ đồng, qua đó, nâng lỗ lũy kế từ khi hoạt động tới nay lên 692 tỷ đồng. Dù vậy, so với mức lỗ 298 tỷ đồng năm 2017, thì kết quả trong năm 2018 của IDP đã là sự cải thiện lớn.

Ông Trần Bảo Minh, CEO của IDP cho rằng, kết quả kinh doanh của IDP ở thời điểm này như vậy là rất khả quan, tới mức nhà đầu tư là VinaCapital và Daiwa đang rất tự tin và không có ý định thoái vốn sớm.

Với vị CEO này, IDP có một vị trí rất an toàn trong ngành sữa. Mặc dù không phải là một công ty có quy mô lớn trong ngành như các “đại gia” Vinamilk, TH true Milk, Nutifood hay Dutch Lady, song IDP đang tỏ rõ hiệu quả về quy mô và đặc biệt về định vị thương hiệu.

Trong khi đó, sản phẩm của IDP không bị “đụng hàng” với các “đại gia” và áp lực cạnh tranh trực diện từ các đối thủ lớn và hùng mạnh khác không có. Không tiết lộ cụ thể, ông Minh khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2019, IDP tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận.

Ông Minh ví von, hãy làm một chuyến dạo qua thị trường miền Bắc, các tỉnh miền Trung, các siêu thị lớn nhỏ trên cả nước, các nhà phân phối, điểm bán…, sẽ thấy sức bán của các mặt hàng thương hiệu KUN của IDP.

Vinamilk chững lại, cơ hội “vượt mặt” cho đối thủ

Với các nhà đầu tư trong ngành sữa, hiện tại là thời điểm “nhạy cảm” vì ngôi sao sáng chói của ngành hiện tại và tương lại sẽ thuộc về TH true Milk. Theo quan sát, trong 2 năm gần đây, Vinamilk chỉ tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm, còn TH true Milk vẫn tăng trưởng mấy chục phần trăm/năm.

Cụ thể, năm 2018, Vinamilk tiếp tục đạt doanh thu kỷ lục hơn 52.500 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2017, theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán của Vinamilk. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty sữa lớn nhất Việt Nam đã chững lại sau 3 năm đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Trong quý IV/2018, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk tăng 32% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 2.284 tỷ đồng, nhưng không kéo nổi mức lợi nhuận sụt giảm trong 3 quý đầu năm. Công ty ghi nhận hơn 10.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 1% so với 2017.

Trong khi đó, nếu lãi ròng năm 2014 của TH true Milk là 27 tỷ đồng, thì con số này đã tăng gấp đôi vào năm 2015 và đạt 130 tỷ đồng năm 2016.

Bắt đầu từ năm 2017, TH true Milk tiếp tục đà phát triển thần tốc. Lãi ròng năm 2017 đạt 319 tỷ đồng và năm 2018 là 450 tỷ đồng. So sánh năm 2018 với năm 2014, có thể thấy, chỉ sau 5 năm, lãi ròng của TH true Milk đã tăng 15 lần.

Vinamilk, người dẫn đầu ngành bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Đó là cơ hội rất lớn để các công ty đứng sau làm những cuộc bứt phá mạnh mẽ

Năm 2018, TH true Milk đã cán mốc doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, vượt nhanh hơn lộ trình mà bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn đã đặt ra cho TH true Milk.

Giới chuyên môn cho rằng, nếu TH true Milk mạnh dạn phát triển toàn diện qua cả mảng sữa bột trẻ em và sữa bột chức năng cho mọi lứa tuổi giống như Vinamilk và Nutifood. Trong đó, chiến lược đầu tư mạnh mẽ và bài bản giống như đã làm với sữa tươi và sữa chua, thì vị thế của TH true Milk trong 5 - 10 năm tới hoàn toàn có thể đe dọa vị thế số 1 của Vinamilk.

Vinamilk vừa chi 1.200 tỷ đồng mua cổ phiếu GTN của Công ty cổ phần GTNFoods - doanh nghiệp đang gián tiếp sở hữu 51% cổ phần của Sữa Mộc Châu. Sau giao dịch, Vinamilk đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của GTNFoods từ 2,3% lên 38,24%.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, động thái mua Sữa Mộc Châu chỉ giúp Vinamilk có thêm nguyên liệu sữa tươi để theo đuổi Chương trình Sữa học đường vốn quy định chỉ được sử dụng sữa tươi, còn về mặt chiến lược cạnh tranh, thì không giúp ích gì cho Vinamilk.

Vinamilk, người dẫn đầu ngành bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Đó là cơ hội rất lớn để các công ty đứng sau làm những cuộc bứt phá mạnh mẽ để trở thành người dẫn đầu trong 10 năm tới.

Tất nhiên, trong cuộc đua này, nguồn lực tài chính sẽ là yếu tố cần, còn yếu tố đủ phải là tầm nhìn chiến lược và khả năng nhìn ra các cơ hội mới và sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu cho các sản phẩm dinh dưỡng của người tiêu dùng trong thời gian tới.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục