Đầu tư phái sinh có dễ kiếm tiền thời đại dịch?

(ĐTCK) Giá chứng khoán phái sinh biến động nhanh và mạnh trong bối cảnh cả thế giới lo phòng chống dịch cúm do virus Corona khởi phát từ Trung Quốc, khiến cơ hội kiếm lời trên sàn này tăng vọt, nhưng rủi ro thua lỗ lớn tương ứng. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Ba phiên đầu Xuân (30 - 31/1 và 3/2), VN-Index giảm lần lượt gần 31 điểm, gần 23 điểm và hơn 8 điểm; mức giảm của chỉ số VN30 lần lượt là hơn 33 điểm, hơn 27 điểm và gần 6 điểm.

Trong phiên thứ ba, cả VN-Index và VN30 có thời điểm giảm gần 45 điểm.

Tương tự, trên sàn phái sinh, giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) giảm lần lượt 36 điểm, 21 điểm và 11 điểm (trong phiên có thời điểm giảm 41 điểm).

Thị trường có 4 mã chứng khoán phái sinh, nhưng mã có tháng đáo hạn gần nhất (kỳ hạn 1 tháng) luôn được nhà đầu tư tập trung giao dịch, thanh khoản thường xuyên chiếm 96 - 97% toàn sàn.

Theo đó, những nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán chứng khoán phái sinh trước khi nghỉ Tết (22/1) lãi lớn. Với hợp đồng VN30F1M, mức lãi là 3,6 triệu đồng/hợp đồng trong phiên đầu Xuân, đạt tỷ lệ sinh lời 23%.

Tại mức giá đóng cửa ngày 22/1, giá hợp đồng VN30F1M là 909 điểm, tương ứng giá trị danh nghĩa 909 triệu đồng/hợp đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số vốn đầu tư khoảng 15,5 triệu đồng (mức ký quỹ ban đầu là 13,5% và để đảm bảo tỷ lệ tài khoản ở mức an toàn 80%, nhà đầu tư cần ký quỹ tổng cộng gần 17%).

Với hai phiên tiếp theo giảm mạnh, nhà đầu tư giữ vị thế bán tiếp tục lãi lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán trước đó hoặc mở mới vị thế trong các phiên thị trường sụt giảm đều lãi lớn.

Trong phiên đầu Xuân, VN30F1M mở cửa chỉ giảm hơn 5 điểm, sau đó diễn biến giảm của thị trường cơ sở khiến giá chứng khoán phái sinh giảm dần, phiên chiều có một vài nhịp hồi trước khi đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.

Khối lượng giao dịch toàn phiên tăng mạnh và lớn hơn nhiều số lượng hợp đồng mở (OI, tức số lượng hợp đồng đang lưu hành) tại thời điểm cuối phiên cho thấy, không ít nhà đầu tư đóng - mở vị thế nhiều lần trong ngày, tức có nhiều lần chốt lãi/cắt lỗ sớm, đồng nghĩa với việc có nhà đầu tư lãi/lỗ ít, nhưng ngược lại có nhà đầu tư lãi/lỗ nhiều.

Sau 3 phiên đỏ lửa, TTCK cơ sở dần ổn định, dao động trong biên độ hẹp và VN30 có số phiên màu xanh nhiều hơn phiên màu đỏ, nhưng trên sàn phái sinh, biến động giá vẫn nhanh và mạnh, tạo ra nhiều cơ hội “lướt sóng”.

Đầu tư phái sinh có dễ kiếm tiền thời đại dịch?  ảnh 1

Trao đổi về cơ hội đầu tư chứng khoán phái sinh thời dịch cúm, một nhà đầu tư chia sẻ: “Tôi vẫn quan ngại về tác động của dịch cúm, nhưng thị trường có nhiều phiên xanh. Có lúc tôi lạc quan theo thị trường, thì giá bất ngờ điều chỉnh. Hiện tại, chỉ số ở vùng giữa mức cao và thấp trong ngắn hạn, nên xu hướng sắp tới rất khó đoán định”.

Có ý kiến cho rằng, virus Corona không khiến nhà đầu tư hoảng loạn, mà là do một nhóm nhà đầu tư lớn “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình hình dịch bệnh để “đánh xuống” trên thị trường cơ sở, qua đó hưởng lợi trên sàn phái sinh trong những phiên đầu Xuân; sau đó, chuyển vị thế từ bán sang mua, kích thị trường hồi phục và hưởng lợi trên cả hai thị trường.

Không loại trừ khả năng trên, nhưng chuyên viên phân tích tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội nhận định, phiên 30/1, các nhà đầu tư mua được cổ phiếu giá thấp trước Tết bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận, nhằm lấy may cả năm, nên VN30 giảm, mức chưa đến 1 điểm khi mở cửa.

Động thái này tăng dần, cộng với thông tin về dịch cúm, nên nhà đầu tư tăng bán, giảm mua, dẫn đến chỉ số lao dốc.

Phiên 31/1, VN30 dao động quanh tham chiếu khi mở cửa, đến phiên chiều mới thực sự giảm mạnh; còn trên sàn phái sinh, trong cả buổi sáng, sắc xanh là chủ đạo.

Từ phiên 4/2 đến nay, VN30 biến động trong xu hướng tăng, đến ngày 12/2 đạt 863 điểm, tăng tổng cộng hơn 21 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư thường xuyên thay đổi từ lạc quan sang bi quan và ngược lại, khiến giá biến động nhanh và khó lường.

Phân tích kỹ thuật có thể chỉ ra mối tương quan giữa bên mua và bên bán, nhưng nhiều khi cũng không biết khi nào thì mối tương quan này đảo chiều.

Mặt khác, nhà đầu tư phái sinh thường dán mắt vào những biến động nhỏ của chỉ số trong từng phút để ra quyết định mua - bán, mà bỏ qua đồ thị ngày, tuần, tháng, trong khi các đồ thị với khung thời gian dài hơn chỉ ra xu hướng, còn đồ thị có khung thời gian ngắn chỉ ra thời điểm để mua - bán.

Thời điểm mua hợp lý, nhưng xu hướng là giảm thì nhiều khả năng sẽ lỗ và ngược lại. Tất nhiên, phân tích kỹ thuật phải kết hợp với phân tích cơ bản.

“Tâm lý nhà đầu tư gần đây lạc quan trở lại, nhưng xét yếu tố tác động của dịch cúm đến nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp niêm yết trong quý I thì khá xấu”, vị chuyên gia phân tích nhìn nhận.           

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục