Tại đối thoại Việt Nam - Nhật Bản, các chuyên gia Bộ Công thương Nhật Bản (METI) cũng thừa nhận thực tế khó tránh khỏi việc phát triển nhiệt điện than. Kinh nghiệm ở đây là gì, thưa ông?
Các chuyên gia của METI đã trình bày tính kinh tế của nhiệt điện than, nên ngay tại Nhật Bản vẫn phải phát triển và xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Vấn đề đặt ra ở đây là lựa chọn công nghệ phát triển nhiệt điện than để đảm bảo môi trường cho khu vực và dân cư xung quanh.
Tại Việt Nam thời gian gần đây có nổi lên câu chuyện môi trường của nhiệt điện than như báo chí phản ánh. Thực ra các nhà máy nhiệt điện than mới xây dựng của Việt Nam đều đã sử dụng công nghệ tiên tiến tại thời điểm xây dựng như siêu tới hạn và sắp tới là công nghệ trên siêu tới hạn, có những hệ thống lọc bụi, giảm phát thải NOx và SOx hiện đại, đáp ứng được yêu cầu môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Sự phàn nàn của người dân thời gian qua tại một số dự án cũng có nhiều nguyên nhân như đang trong quá trình xây dựng nên gây ra bụi, chưa thực hiện đúng quy trình vận hành. Sau khi được phản ánh và giám sát của cơ quan chức năng, chủ đầu tư các nguồn điện này đã thực hiện đầy đủ các quy định và có cải tiến, trang bị thêm một số thiết bị để tiếp tục giảm phát thải ra môi trường.
Chủ đầu tư cũng có nhiều hoạt động về an sinh, xã hội và truyền thông tới người dân để tạo sự đồng thuận. Các nhà máy nhiệt điện than cũng đã mở cửa cho người dân tại khu vực vào giám sát vấn đề môi trường và hiểu rõ hơn thực tế nhà máy.
Nhiều thông tin hiện nay có nói về việc Trung Quốc đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện than, Bộ Công thương có tìm hiểu cụ thể câu chuyện này không?
Chúng tôi đã tìm hiểu các thông tin từ hơn 10 năm nay. Trung Quốc đã cấm trang bị nhà máy điện dùng tổ máy có công suất dưới 200 MW, sự tăng trưởng điện năng của Trung Quốc cũng đã giảm đi rất nhiều, gần đi vào giai đoạn bão hòa về nhu cầu điện.
Còn việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc, có thể khẳng định đây là nhà máy cũ đã hết niên hạn sử dụng và cũng là các nhà máy có công suất nhỏ. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đóng cửa nhà máy điện than không hoàn toàn là lý do giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm, mà do thay đổi chính sách quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên (than) so với ồ ạt tận thu như giai đoạn trước đây.
Ông Phương Hoàng Kim
Tại Việt Nam, những nhà máy nhiệt điện than cũ cũng có những giải pháp cụ thể. Như Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 1, công suất 110 MW đã dừng phát điện và dự kiến cuối năm 2017 sẽ được tháo dỡ. Nhiệt điện Ninh Bình công suất huy động cũng rất thấp. Nhà máy Nhiệt điện than Phả Lại 1 cũng đang được tính toán nâng cấp, cải tạo để nâng cao hiệu quả và đảm bảo mội trường. Nghĩa là ở Việt Nam cũng có dừng và tháo dỡ nhiệt điện than chứ không phải chỉ có tại Trung Quốc.
Xu hướng đầu tư vào các công nghệ sạch hơn cũng là tất yếu. Điều đó được triển khai thế nào trong các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam?
Để có nhiệt điện than hiệu suất cao, ít phát thải, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường các yêu cầu đối với các thiết bị đảm bảo môi trường, như vậy giá thành sẽ đắt hơn các công nghệ thông thường.
Công nghệ nhiệt điện than trên siêu tới hạn được Nhật Bản giới thiệu hiện nay có chi phí đầu tư đắt hơn các nhà máy siêu tới hạn mà Việt Nam đang đầu tư cỡ 10 - 20%. Nghĩa là một nhà máy công suất khoảng 1.200 MW hiện có suất đầu tư khoảng 2,2 - 2,4 tỷ USD, như vậy chi phí đầu tư sẽ đắt hơn khoảng 220 - 480 triệu USD và tất cả sẽ được tính vào giá thành sản xuất điện.
Trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp, giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam hiện nay là 1.630 đồng/kWh (tương đương 7,3 cent$/kWh), thấp hơn so với khu vực, thì có những cái khó nhất định.
Các nhà máy BOT của nhà đầu tư nước ngoài xây dựng và bán điện cho ngành điện hiện là 6,5 - 7 cent/kWh, nhưng thu hút đầu tư vào ngành điện vẫn khó. Khi đầu tư công nghệ mới hơn, chi phí sẽ tăng thêm 10 - 20%, đòi hỏi giá bán điện cũng phải tăng theo và càng thêm khó trong thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện.
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề cần phải phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Với Việt Nam, các loại năng lượng tái tạo này hiện có cơ hội ra sao, thưa ông?
Chúng tôi cũng có nhiều nghiên cứu về phát triển năng lượng tái tạo. Hiện giá bán lẻ điện bình quân cho tiêu thụ đang áp dụng là 7,3 UScent/kWh. Trong khi đó, điện mặt trời với giá bán tại nguồn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tương đương với 9,35 UScent/kWh, tức là bù lỗ 2 UScent/kWh (nếu tính cả phí truyền tải và phân phối thì phải thêm 30%, tức là giá điện mặt trời có thể lên tới 11-12 UScent/kWh). Điện gió có giá mua trên bờ là 7,8 UScent/kWh (dự án thí điểm ở ngoài biển là 9,8 UScent/kWh).
Như vậy, Nhà nước sẽ phải cân đối bù lỗ điện mua từ các nguồn năng lượng tái tạo. Cũng cần phải nói thêm rằng, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời có số giờ vận hành và tính ổn định không cao. Khi đầu tư các nguồn điện gió, điện mặt trời sẽ phải đầu tư đồng thời các nguồn dự phòng để khi không có mặt trời vào ban đêm hay không có gió mà vẫn phải dùng điện thì có nguồn thay thế.