Đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1

Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài khoảng 59,6 km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.
Đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng làm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1
Ban Quản lý dự án 1 vừa có đề xuất Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương) theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 8.074 tỷ đồng.

Theo kết quả khảo sát, lưu lượng giao thông hiện tại trên Quốc lộ 20 khoảng 17.597 xe con quy đổi (PCU/ngày, đêm), đối với đoạn Dầu Giây-Tân Phú khoảng 7.244 PCU/ngày, đêm. Dự báo từ nay đến năm 2020, đường Quốc lộ 20 dù đã được cải tạo mở rộng thì lưu lượng xe cũng sẽ quá tải, do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, đoạn Dầu Giây-Tân Phú là rất cần thiết.

Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có chiều dài khoảng 59,6 km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với bề rộng đường 24,7 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/giờ.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 8.074 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 6.887 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án 1 cũng đưa ra kịch bản về mức phí thu và thời gian hoàn vốn cho tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú.

Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ có mức thu phí 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian thu phí 22 năm 6 tháng, đồng thời đưa các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện giai đoạn 2 dự án. Trong giai đoạn 2, mở rộng theo quy hoạch sẽ bổ sung phương án tài chính cho phần mở rộng.

Nếu được Bộ GTVT phê duyệt và thông qua, dự án được khởi công vào quý I/2017; thời gian xây dựng dự kiến 3 năm.

Tuyến đường cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục