Chỉ số S&P’ GSCI theo dõi giá của 24 mặt hàng đã tăng 6,4% trong tháng trước, dẫn đầu là bạc, ca cao và dầu sưởi. Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu trong khi đó tăng 1,9%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp, còn chỉ số đồng USD giảm 1,7%. Trái phiếu của các chính phủ giảm bình quân 0,2%, dẫn đầu là trái phiếu của các quốc gia châu Âu.
Các tài sản rủi ro tăng giá cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách từ Mỹ, châu Á tới châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Trong năm nay, Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức gần 0 và có hơn 24 nước đã cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng ở Trung Quốc giảm quý thứ 6 liên tiếp trong khi 17 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn chìm trong suy thoái còn niềm tin tiêu dùng của người Mỹ thì thấp nhất 10 tháng.
Bill O’Neill, Giám đốc văn phòng đầu tư khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của quỹ Merrill Lynch Wealth Management quản lý tài sản hơn 1,8 nghìn tỷ USD nhận xét, thị trường đang có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế trong khi đồng USD yếu là các lý do khiến cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.
Tháng trước, hàng hóa đã trở lại thị trường giá lên sau khi tăng 20% kể từ trung tuần tháng 6, giành lại những thua lỗ kể từ đầu năm. Lần gần đây nhất hàng hóa trở thành tài sản sinh lời nhất trong số các tài sản đầu tư hai tháng liên tiếp là tháng 3 và 4/2011. Trong giai đoạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện 2 gói nới lỏng định lượng từ tháng 12/2008 tới tháng 6/2011, giá hàng hóa đã tăng hơn 80%.
Trong tháng 8, giá bạc tăng 13% và vàng tăng 4,5%, nhiều nhất kể từ tháng 1, bởi nắm giữ vàng bạc của các quỹ trao đổi sản phẩm tài chính tăng liên tục. Nhà đầu tư vừa mua bạc với vai trò là công cụ chống lại lạm phát vừa kỳ vọng vào nền kinh tế bởi có tới 53% tiêu thụ bạc đến từ lĩnh vực công nghiệp.
Giá dầu sưởi tăng 12% trong tháng trước bởi nỗi lo nguồn cung. Hạn hán nghiêm trọng nhất nửa thế kỷ ở 48 bang khắp nước Mỹ đã khiến cho giá ngô và đậu tương lên các mức cao kỷ lục. Tháng trước, giá bông cũng tăng 8,3%, nhiều nhất kể từ tháng 2/2011.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch tại New York tăng 9,6%, nhiều nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, bởi nỗi lo cung từ Iran tiếp tục giảm do lệnh cấm vận của EU bên cạnh cơn bão nhiệt đới Issac quét qua nước Mỹ.
Kỳ vọng giá tiếp tục tăng, các quỹ phòng hộ đã tăng đặt cược vào hàng hóa lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011. Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tăng thêm 19% lên 115 USD/thùng, đậu tương thêm 14% lên 20 USD/bushel và ngô thêm 13% lên 9 USD/buhsel trong vòng 3 tháng tới.