Ngày 5/6, Đầu tư Hải Phát thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, triển khai trong năm 2024.
Được biết, với giá đóng cửa ngày 5/6 là 6.760 đồng/cổ phiếu, cổ đông hiện hữu sẽ bỏ ra mua thêm cổ phiếu với giá cao hơn 47,9% so với giá thị trường đang giao dịch.
Với 304,17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đầu tư Hải Phát sẽ chào bán thêm 152,08 triệu cổ phiếu để huy động 1.520,8 tỷ đồng.
Mục đích huy động vốn của HPX |
Trong đó, số tiền huy động, Đầu tư Hải Phát dự kiến dùng 1.410,5 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi các khoản nợ trái phiếu (mã trái phiếu HPX122018, HPXH2123008, HPXH2124009 và trái phiếu HPXH2125007); và còn lại 110,3 tỷ đồng thanh toán gốc và lãi của khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt – Chi nhánh Hà Nội.
Ngoài ra, liên quan tới nhân sự, ngày 3/5, Đầu tư Hải Phát thông qua miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đoàn Hoà Thuận do có đơn xin từ nhiệm, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương vào vị trí Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2024-2029.
Trong đó, ông Đoàn Hoà Thuận có đơn xin từ nhiệm với lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành Công ty, vì vậy không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc Tổng giám đốc.
Theo tìm hiểu, ông Đoàn Hoà Thuận sinh năm 1975, gắn bó với Hải Phát từ năm 2017 với chức vụ Phó tổng giám đốc, đến tháng 7/2018 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018 – 2023 và ngày 24/7/2023, ông Thuận tiếp tục được tái bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc.
Ngược lại, Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Văn Phương sinh năm 1979, đang là Phó chủ tịch HĐQT tại Đầu tư Hải Phát.
Trước đó, ngày 19/4, Đầu tư Hải Phát cũng nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế.
Lý do từ nhiệm của ba lãnh đạo Đầu tư Hải Phát là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.
Trong đó, đáng lưu ý, ông Vũ Hồng Sơn là người của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, được bầu nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT Đầu tư Hải Phát từ ngày 21/10/2023 sau khi nhóm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát mua vào nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát vào ngày 14/9/2023.
Tuy nhiên, mới đây ngày 1/4/2024, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát bất ngờ thông báo đã bán ra hơn 35,1 triệu cổ phiếu HPX, giảm sở hữu từ 16,54%, về 4,997% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát.
Như vậy, sau khi không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát cũng thực hiện rút người khỏi Hội đồng quản trị Đầu tư Hải Phát.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Đầu tư Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt 323,76 tỷ đồng, tăng 116,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 15,77 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 26,19 tỷ đồng, tức tăng thêm 41,96 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11%, lên 21,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 320% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 52,41 tỷ đồng, lên 68,79 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 247,2%, tương ứng tăng thêm 1,78 tỷ đồng, lên 2,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 15,3%, tương ứng tăng thêm 4,23 tỷ đồng, lên 31,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20,1%, tương ứng tăng thêm 3,39 tỷ đồng, lên 20,26 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù trong quý đầu năm 2024 chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhưng Đầu tư Hải Phát vẫn chuyển từ lỗ sang lãi, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận doanh thu tăng, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Trong năm 2024, Đầu tư Hải Phát đặt kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, giảm 22,2% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 5%.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận sau thuế đạt 15,77 tỷ đồng, Đầu tư Hải Phát đã hoàn thành 15% so với kế hoạch lãi 105 tỷ đồng trong năm 2024.