Đầu tư ESG tại Việt Nam: Nhà đầu tư gặp khó khăn gì?

(ĐTCK) Ngày 26/11, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy thực hành ESG trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Thực tiễn và giải pháp”.

Tại Hội thảo, bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc Nghiên cứu thị trường, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đã chia sẻ quy trình đầu tư tích hợp phân tích ESG, gợi mở góc nhìn của nhà đầu tư về thực hành ESG tại doanh nghiệp.

Chia sẻ về quy trình đầu tư tích hợp phân tích ESG của VinaCapital, bà Linh cho biết, ngay từ bước sàng lọc đầu tiên, VinaCapital đã có danh sách loại trừ theo các tiêu chuẩn ESG quốc tế như các ngành liên quan tới vũ khí, khai thác tài nguyên môi trường, khai thác rừng… Bước sàng lọc thứ hai là tiêu chí liên quan tới rủi ro quản trị doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp không tốt, không có văn hoá minh bạch…, thì chúng tôi loại ra ngay từ bước này”, bà Linh cho biết.

Bà Vũ Ngọc Linh, Giám đốc Nghiên cứu thị trường, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital phát biểu tại hội thảo

Đối với mảng đầu tư cổ phần niêm yết, VinaCapital thực hiện đánh giá thực hành ESG dựa trên các thông tin công bố và các thông tin thu thập từ nguồn công khai. Đối với mảng đầu tư cổ phần tư nhân, do đặc thù doanh nghiệp mảng này không công bố thông tin công khai, VinaCapital có thể phải sử dụng đánh giá từ các bên thứ ba, bao gồm các tổ chức xếp hạng để phân loại rủi ro và thẩm định ESG cho các công ty tư nhân.

Từ thực tiễn đầu tư tại thị trường Việt Nam, bà Linh cho biết, việc đầu tư ESG gặp khó khăn trong việc đánh giá, so sánh với khu vực. Chẳng hạn, Việt Nam có số lượng công ty báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế ít nhất trong khu vực, trong đó báo cáo theo tiêu chuẩn GRI và khuôn khổ SDG là phổ biến nhất tại 6 quốc trong khu vực.

Việt Nam thường đứng "cuối bảng" trong thống kê báo cáo liên quan tới phát triển bền vững

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư thiếu dữ liệu tham chiếu khi có ít công ty có điểm ESG trên bảng xếp hạng quốc tế. Ví dụ, chỉ có 5 công ty Việt Nam có điểm trên Sustainalytics trong tổng số 587 công ty chiếm 69% vốn hoá của thị trường ASEAN-6 (587 công ty chiếm 13% tổng số 4.438 công ty niêm yết, nhưng chiếm 69% vốn hoá thị trường của ASEAN-6 gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam).

“Chỉ có 13 công ty niêm yết Việt Nam có điểm đánh giá bởi Bloomberg về công bố thông tin ESG. Hoặc 21 công ty niêm yết Việt Nam bị xếp hạng “F” về công bố biến đổi khí hậu của CDP do không gửi câu trả lời, chỉ có 2 công ty phản hồi là FMC và VNM”, bà Linh cho biết thêm.

Chỉ có 5 công ty Việt Nam có điểm trên Sustainalytics và cũng không được chấm điểm cao

Từ góc độ quỹ đầu tư, bà Linh khuyến nghị doanh nghiệp niêm yết nên cung cấp thông tin theo bộ khung tiêu chuẩn quốc tế, trước hết là các bộ tiêu chuẩn thông dụng như GRI, SASB, SDG…; tìm hiểu các cách thức thu thập dữ liệu ESG trên toàn cầu để tối ưu hoá lợi ích từ việc cung cấp thông tin.

“Đáng chú ý, doanh nghiệp niêm yết cần quản lý việc cung cấp thông tin, tránh thông tin rò rỉ, sai lệch. Ví dụ, RepRisk được các nhà đầu tư, ngân hàng, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính thế giới sử dụng để quyét dữ liệu diện rộng nhằm tìm ra các “tín hiệu xấu” về các vấn đề gây tranh cãi, tranh chấp, bêu xấu liên quan đến công ty. Dữ liệu RepRisk có thể thu thập phân tích gồm cả chữ viết, phát ngôn, hình ảnh và hình ảnh vệ tinh. Vì vậy, nếu rò rỉ thông tin sai lệch, doanh nghiệp nên có thông tin phản hồi để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh”, bà Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên hợp tác với các tổ chức xếp hạng ESG quốc tế để tăng sự công nhận và xác thực những nỗ lực thực hành ESG của công ty.

Các đơn vị quốc tế liên quan tới xếp hạng ESG

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục