Đón xu hướng từ dự án nhỏ
Mặc dù có quy mô khá nhỏ, nhưng Dự án BOT xây dựng, kinh doanh Trung tâm Đường sắt logistics Yên Viên do Công ty liên doanh đường sắt Logistics ILT đề xuất vẫn được coi là công trình “đột phá khẩu” cho xu hướng mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng đường sắt vốn lâu nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gần như “một mình, một chợ”.
Được biết, tại dự án trên, ITL sẽ huy động khoảng 85 tỷ đồng để thiết lập Trung tâm Đường sắt logistics Yên Viên, kết hợp xây dựng hệ thống bãi hàng phục vụ vận chuyển container nội địa, xuất nhập khẩu và hàng hóa trên diện tích bãi hàng container rộng khoảng 22.000 m2 tại ga Yên Viên (Hà Nội).
Đây là công trình sẽ đem lại lợi ích cho cả nhà đầu tư (được thu tiền dịch vụ bãi hàng trong thời gian 15 - 20 năm, phí nâng hạ container); VNR (cho thuê diện tích bãi hàng với chi phí cao hơn hiện hữu, nâng cao năng lực vận tải container trên các tuyến vận tải đường sắt phía Bắc và Nhà nước (giảm áp lực giao thông cho các tuyến vận tải đường bộ).
Trung tâm Đường sắt logistics Yên Viên là một trong 4 dự án kêu gọi vốn tư nhân mà VNR xin chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải trước khi đề xuất mở rộng cho nhiều dự án hạ tầng khác. Ba công trình khác được VNR chọn thí điểm là bãi hàng ga Sóng Thần (Bình Dương), ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Dự án ga Xuân Giao A.
“Trước kia, ngành đường sắt nặng về quan điểm con cháu trong nhà, nhưng hiện giờ chúng tôi mở toang cánh cửa cho các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, thậm chí mời các đơn vị mua hẳn đoàn tàu về chạy. Ngành đường sắt sẽ cung cấp hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ đi kèm”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR khẳng định trước gần 10 nhà đầu tư trong nước đang có nhu cầu tham gia đầu tư vào các dự án đường sắt.
Về điều kiện kinh doanh, VNR cho biết, nhà đầu tư được thu dịch vụ, trên cơ sở khung giá Nhà nước và VNR chấp thuận, gồm: giá dịch vụ xếp, dỡ, nâng hạ hàng hóa, container tại các ga, bãi hàng; giá dịch vụ lưu kho, bảo quản hàng hóa tại kho; giá các loại dịch vụ khác được nhà nước cho phép.
Ủng hộ chủ trương của VNR, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, Dự án Logistics Yên Viên cần được triển khai sớm để có thể khởi công ngay trong quý II/2015 như là một trong những công trình xã hội hóa đầu tay.
Đợi chờ những nhà đầu tư lớn
Tại cuộc họp nghe VNR báo cáo về các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường sắt vào đầu tuần này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải mong muốn mua lại 3 nhà ga: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng. Đổi lại, nhà đầu tư đang chuyển dịch mạnh vào đầu tư hạ tầng sẽ xây dựng các ga đường sắt hiện đại tại vị trí mới nhằm giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô các thành phố.
“UBND TP. Đà Nẵng đã có quy hoạch và phương án di dời ra khỏi trung tâm của thành phố du lịch này, nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng hạ tầng trên nhà ga cũ là hợp lý và hài hòa. Đối với ga Hà Nội và ga Sài Gòn, cần có những nghiên cứu cụ thể theo hướng đầu tư hiện đại hóa nhà ga mới mà Nhà nước không phải bỏ tiền. Và cũng cần nghiên cứu cơ chế hài hòa được giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn tại những công trình đường sắt lịch sử”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
Cũng tại cuộc họp trên, việc mua lại các tuyến tàu trọng điểm cũng được Tập đoàn Sun Group đề xuất tới Bộ Giao thông - Vận tải, thậm chí ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Sun Group tiết lộ, nhà đầu tư đang sở hữu nhiều khu du lịch sang trọng nhất Việt Nam sẽ bỏ tiền đầu tư mới 20 toa xe và trang bị nội thất hiện đại, dịch vụ tối ưu nhất để phục vụ khách du lịch trên các tuyến du lịch Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai.
“Ban đầu, các đoàn tàu sẽ chủ yếu phục vụ khách du lịch của Sun Group, sau đó chúng tôi sẽ phục vụ đại chúng hơn”, ông Sơn cho biết.
Liên quan tới chủ trương xã hội hóa hạ tầng đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải danh mục các dự án để thực hiện xã hội hóa, bao gồm 12 tuyến đường sắt hiện dự kiến nhượng quyền khai thác hoặc PPP nâng cấp; 4 dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư lên tới 5 tỷ USD.
“Mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia kinh doanh vận tải đường sắt theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, chứ không để một mình VNR làm độc quyền như lâu nay. Riêng những vấn đề liên quan đến đất, an ninh quốc phòng là do Nhà nước quản lý và không được phép chuyển nhượng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.