
Lượng kiều hối và đầu tư của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD/năm
Nguồn lực lớn
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối đạt trên 6 tỷ USD. Dự kiến, cả năm nay, kiều hối đạt khoảng 10 - 11 tỷ USD. Chỉ tính riêng TP. HCM, kiều hối chuyển về 9 tháng ước đạt gần 3 tỷ USD. Đây là năm tiếp theo kiều hối giữ được đà tăng trưởng (năm 2009 là 6,283 tỷ USD, năm 2010 là 8,6 tỷ USD, năm 2011 là 9 tỷ USD). Kiều hối đã trở thành nguồn bổ sung ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế đất nước những năm qua.
Từ chỗ gửi về nhằm giúp đỡ thân nhân, đến nay, kiều bào ở nước ngoài đã quan tâm đến hoạt động kinh doanh quy mô gia đình. Nhiều DN, doanh nhân Việt kiều với tiềm lực tài chính cũng đã đầu tư về Việt
Theo ông Đặng Trần Phong, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài, với 3.546 DN, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 8,4 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư chủ yếu đến từ doanh nhân Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, du lịch), bất động sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, công nghệ phần mềm… Tính chung, lượng kiều hối và đầu tư của cộng đồng người Việt
Nhưng vẫn là tiềm năng
Có thể thấy, các dự án đầu tư của Việt kiều tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, có quy mô vừa và nhỏ, đã thu hút thêm khách du lịch, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đặng Trần Phong, hiệu quả của những dự án này vẫn chưa cao.
Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại TP. HCM cuối tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến phản ánh thực tiễn cũng như góp ý về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư của kiều bào ở nước ngoài đã được “người trong cuộc” đưa ra.
Theo bà Helena Van (Việt kiều Thụy Điển), những vướng mắc về thủ tục hành chính đang gây khó cho nhiều nhà đầu tư như bà. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng resort của bà tại quê nhà Phú Yên dù đã triển khai gần 7 năm nhưng vẫn vướng về thủ tục hành chính.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đưa ra 6 kiến nghị với Chính phủ để thu hút các doanh nhân - trí thức Việt kiều về tham gia xây dựng đất nước. Trong đó, kiến nghị tiếp tục và kiên trì việc cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là xoá bỏ các thủ tục rườm rà, phiền nhiễu hay phân biệt đối xử của một số cơ quan công quyền, gây mất niềm tin đối với Việt kiều; có biện pháp quảng bá, cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ về tình hình đầu tư, đặc biệt phải làm sao giúp cho kiều bào, doanh nhân Việt kiều cảm nhận họ thực sự là một bộ phận của cộng đồng dân tộc; Chính phủ cần có nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho họ gắn bó với quê hương, trở về Việt Nam kinh doanh và đầu tư…
Về chất xám kiều bào, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 400.000 người là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức có trình độ cao như giáo sư, bác sĩ và các văn nghệ sĩ, hầu hết được đào tạo ở những nước phát triển. Ngoài ra, còn có một số khác được chỉ định hay được bầu vào những vị trí nhất định trong các cơ quan Chính phủ và Nghị viện tại một số quốc gia tiên tiến như Đức, Úc, Mỹ, Canada…
Tại hội nghị này, Giáo sư Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục, đào tạo và tư vấn quản lý Stellar Management, đặt câu hỏi: Tại sao gần 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam hôm nay vẫn còn đặt những câu hỏi và thảo luận vấn đề mời gọi đóng góp của trí thức kiều bào cho sự phát triển của đất nước, trong khi ở các nước châu Á khác, trí thức hải ngoại đã có một ví trí khá quan trọng?
Theo Giáo sư Vinh, vẫn có khoảng cách giữa trí thức kiều bào và thực tế trong nước, đó là khoảng cách về văn hóa và cách tư duy. Chính vì vậy, chuyện trí thức trở về vẫn là chuyện cá nhân và chất xám của đội ngũ trí thức Việt kiều vẫn đang ở dạng tiềm năng.