Đầu tư công tăng tốc - động lực để nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư công là điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2023. Theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), đây cũng là động lực để nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm.
Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê). Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê).

Nửa thời gian năm 2023 đã trôi qua, nhưng đầu tư công mới đạt 33% kế hoạch. Vì sao bà lại cho đây là điểm sáng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay?

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I (4,14% so với 3,32%) cho thấy, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong tập trung triển khai đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm chính là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cả từ bên ngoài và bên trong.

Nếu như trong 3 tháng đầu năm, đầu tư công còn khá chậm, thì bước sang quý II đã thực sự tăng tốc. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công quý II/2023 ước đạt trên 140.400 tỷ đồng, bằng gần 20% kế hoạch cả năm và tăng tới gần 53% so với quý trước, còn so với cùng kỳ năm 2022 thì tăng gần 22%. Kết quả này khiến 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33% kế hoạch, nhưng tăng 20,5% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Khối lượng đầu tư công thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt trên 232.200 tỷ đồng là rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.

Theo bà, kết quả trên đạt được do đâu?

Nhiều dự án trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng đã xong về thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công trong năm nay.

Nhưng nếu không có sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, thì cũng khó đạt được kết quả này, thưa bà?

Ngay từ những tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Cả 5 tổ công tác đã quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc.

Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những văn bản chỉ đạo vô cùng quan trọng để tất cả các cấp, các ngành phải vào cuộc thực sự.

Thưa bà, chính vì Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, nên không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?

Lãnh đạo Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, nên các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực tập trung triển khai phân giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kịp thời, đáp ứng được yêu cầu dự án có thể thực hiện và giải ngân ngay từ đầu năm, đặc biệt là dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Thực tế đã cho thấy, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương các cấp đã chủ động tập trung chỉ đạo xử lý vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện dự án đầu tư công; kịp thời xử lý vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia.

Trên đã nóng, thì ở dưới không nóng cũng không được. Chính vì vậy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho từng sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, từ đó thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công từ sớm, từ xa. Còn ở dưới nữa, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã có ý thức tập trung triển khai thực hiện ngay dự án, công trình được giao kế hoạch vốn, đặc biệt là dự án chuyển tiếp, dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Đầu tư công đang “vào guồng”, nhưng để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch trong nửa năm còn lại không đơn giản. Theo bà, cần phải tiếp tục làm gì để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư công?

Các bộ, ngành, địa phương phải bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2023, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, thì ở đó, đầu tư công được đẩy mạnh. Thực tế cũng cho thấy, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công, thì ở đó, giải ngân vốn đầu tư công cao hơn những nơi khác.

Đầu tư công không phải chỉ thực hiện trong năm nay, trong nhiệm kỳ này, mà là nhiệm vụ của Nhà nước trong rất nhiều năm nữa. Chính vì vậy, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công và ở các lĩnh vực liên quan đến đầu tư như đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản..., bởi một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục