Có ý kiến cho rằng, tốc độ phát triển thẻ sẽ chững lại do xuất hiện những hệ sinh thái điện tử mới, bà có quan điểm gì về điều này?
Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ thông minh châu Á - Thái Bình Dương (APSCA), dự đoán năm 2020, tốc độ phát triển thẻ trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, ở mức 40%.
Hệ sinh thái thanh toán điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với sự góp mặt của nhiều phương thức thanh toán điện tử mới, đặc biệt là QR Code.
Những hình thức thanh toán mới này hoàn toàn có thể áp dụng được vào thị trường Việt Nam và tôi tin rằng, các phương thức này sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới, nhưng thẻ vẫn là phương tiện thanh toán chủ đạo.
Câu chuyện đang “nóng” là chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ CHIP, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QÐ-TTg). Trong câu chuyện này, bà có thể chia sẻ Napas đã có những bước đi như thế nào?
Bà Nguyễn Tú Anh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 05/10/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1927/QÐ-NHNN công bố Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ CHIP nội địa; trong đó quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ CHIP tiếp xúc và không tiếp xúc, tương thích với chuẩn EMV của quốc tế.
Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ CHIP nội địa.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi đối với tổ chức thanh toán thẻ là đến ngày 31/12/2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31/12/2021. Ðiều này có nghĩa, toàn bộ thị trường Việt Nam sẽ chuyển đổi xong từ thẻ từ sang thẻ CHIP vào cuối năm 2021.
Về phía Napas, chúng tôi đã sẵn sàng nguồn lực về nhân sự và công nghệ để hỗ trợ các ngân hàng thực hiện việc nâng cấp hệ thống phát hành, thanh toán thẻ CHIP nội địa.
Ðến thời điểm hiện tại, Napas đã thực hiện chứng nhận tuân chuẩn thẻ CHIP nội địa VCCS cho 21 ngân hàng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chứng nhận tuân chuẩn thẻ CHIP nội địa VCCS theo kế hoach mà các ngân hàng đã đăng ký với Napas.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thị trường phát triển, Napas cũng đã cấp thư xác nhận đáp ứng bộ tiêu chuẩn VCCS cho các sản phẩm thẻ trắng của 6 nhà cung cấp thẻ và 4 nhà cung cấp thiết bị để cộng đồng ngân hàng có được nhiều lựa chọn tốt nhất khi chuyển đổi thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng mình.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong công tác chuyển đổi, hướng tới mục tiêu chuyển đổi thẻ CHIP nội địa theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, Napas đã triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa.
Bà có lo lắng việc chuyển đổi sẽ diễn ra không đúng theo kế hoạch?
Theo số liệu báo cáo của EMVCo đến hết 31/12/2018, tỷ lệ chuyển đổi thẻ CHIP tại châu Âu, châu Phi và Trung Ðông, Canada, khu vực Mỹ - Latin và các nước vùng Caribe chiếm khoảng 80-87%, châu Mỹ là 60,7 %, châu Á là 51% và Việt Nam không quá bị thụt lùi so với thế giới.
Chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ CHIP ở Việt Nam trong 2 năm tới còn rất nhiều việc phải làm và sẽ tạo ra nhiều dư địa để phối hợp với các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Hiện tại, Napas và các ngân hàng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ CHIP đến khách hàng.
Nếu như cuối tháng 5/2019 chỉ 7 ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, VietinBank, Sacombank, ABBank, TPBank, BIDV và Agribank hoàn thành việc chứng thực hệ thống để chuyển đổi thẻ, thì đến nay, số lượng ngân hàng đã tăng lên con số 21 và trong năm 2020, các ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác chuyển đổi mạnh mẽ hơn.
Các ngân hàng đã hoàn thành chứng thực hệ thống để chuyển đổi thẻ đang chiếm tới 70% số lượng thẻ từ trên thị trường. Ðiều đó cho thấy, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ CHIP đang được các ngân hàng “chạy đua” thực hiện để đạt đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Chuyển đổi thẻ CHIP, câu chuyện được cho rằng không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Ý kiến của bà là thế nào?
Tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái Thanh toán điện tử: Chuyển động cùng công nghệ CHIP vào trung tuần tháng 12/2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã chỉ đạo về tính cấp thiết của công tác chuyển đổi thẻ CHIP nội địa, trách nhiệm xã hội của các ngân hàng và doanh nghiệp trong công tác mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ CHIP, tích cực triển khai chuyển đổi theo đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước để Việt Nam có thể bắt kịp cùng xu thế chung của thế giới, tận dụng phát triển kinh tế số để thúc đẩy thanh toán điện tử và hướng tới mục tiêu hầu hết người dân Việt nam đều sử dụng thẻ CHIP trong thanh toán nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Theo Phó thủ tướng, câu chuyện ứng dụng thẻ CHIP không chỉ là vấn đề của ngành ngân hàng, tổ chức tín dụng, mà cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý, bộ ngành và cả doanh nghiệp, đồng thời phải có những hành động cụ thể, thiết thực cũng là nhiệm vụ của ngành truyền thông.
Thẻ CHIP là thẻ đa ứng dụng, trên đó, ngoài ứng dụng thanh toán, phục vụ tài chính, có thể liên thông với những ngành kinh tế khác như giao thông, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…
Ðặc biệt, câu chuyện mở rộng mạng lưới chấp nhận là câu chuyện rất lớn cho toàn bộ thị trường, đòi hỏi phải có sự thay đổi, đầu tư. Ðây là trách nhiệm của ngành ngân hàng và cộng đồng cả nước.
Cũng theo chia sẻ của Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam, "Việc chuyển đổi chắc chắn tốn kém, nhưng sự tốn kém ấy nếu có lợi cho đất nước, có ích cho xã hội, thì về lâu dài sẽ bù đắp lại kinh tế xứng đáng.
Quan trọng hơn, đó còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của ngân hàng”.
Chúng ta hãy cùng nhìn nhận đầu tư phát triển thẻ CHIP là cho thời gian dài, đầu tư cho tương lai, nên rất mong các ngân hàng cùng Napas dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ có mạng lưới chấp nhận tốt và thực sự liên thông với các bộ, ban, ngành khác trong thời gian tới.
Chúng tôi cũng hi vọng, sắp tới, nếu Chính phủ cấp phép cho tiền di động (Mobile Money) hoạt động thì đồng tiền này cũng sẽ sử dụng được trên nền tảng công nghệ VCCS không tiếp xúc.
Như vậy, dựa trên sự liên thông tiêu chuẩn kỹ thuật với ngành ngân hàng, Mobile Money có thể tận dụng được hệ sinh thái thanh toán điện tử đã và đang được ngành ngân hàng xây dựng và phát triển trong nhiều năm qua.
Theo đó, tất cả người dân Việt Nam sẽ được hưởng chương trình tài chính toàn diện, nghĩa là những người nghèo, vùng nông thôn cũng sẽ được sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trong thanh toán
Hành trình số hoá trong hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam đang diễn ra rất quyết liệt. Về câu chuyện này tại Napas, bà sẽ nói gì?
Ðể chuyển từ lời nói đến hành động, Napas đã có những bước chuẩn bị trong công tác xây dựng hạ tầng thanh toán số hóa góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cải thiện thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân trong suốt thời gian qua.
Là đơn vị cung cấp hạ tầng, Napas đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra một “xa lộ” cho các giao dịch thanh toán số “chạy” thông suốt, an toàn.
Một mục tiêu gần hơn, bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch hỗ trợ thị trường của Napas trong năm 2020?
Trong năm nay, Napas có kế hoạch cùng với Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam xây dựng và đề xuất cơ cấu phí mới cho các loại giao dịch, bao gồm các giao dịch ATM, POS và thương mại điện tử. Cơ cấu phí mới nhằm hỗ trợ cho ngân hàng có mạng lưới tốt, hỗ trợ các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ, tạo thuận tiện cho mọi người dân.
Ðặc biệt, đối với các giao dịch thanh toán dịch vụ công trực tuyến, trong vòng 3 năm tới, Napas sẽ thuyết phục các ngân hàng đưa phí dịch vụ công về bằng 0, đồng thời triển khai các chương trình ưu đãi thanh toán dịch vụ công nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần triển khai thành công Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong khuôn khổ chương trình Khóa họp lần thứ 22 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Napas trong vai trò tổ chức chuyển mạch thẻ đại diện cho Việt Nam và NSPK trong vai trò trung tâm xử lý giao dịch thanh toán quốc gia Liên bang Nga, đã ký kết thỏa thuận và công bố triển khai chấp nhận thanh toán thẻ nội địa mang thương hiệu quốc gia của Liên bang Nga MIR thành công tại Việt Nam, thúc đẩy giao thương xuyên biên giới giữa 2 quốc gia.
Theo kết quả hợp tác, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) là 2 ngân hàng đầu tiên tham gia cung cấp dịch vụ, cho phép các chủ thẻ chip MIR của Nga có thể thực hiện thanh toán tại mạng lưới POS của BIDV và rút tiền mặt tại mạng lưới ATM của VRB tại Việt Nam.
Trong ngắn hạn, Napas và NSPK sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới ngân hàng tại Việt Nam chấp nhận thẻ MIR của Nga tại các điểm đến thu hút nhiều khách du lịch Nga như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội…
Trong năm 2020, Napas và NSPK sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hệ thống, mở rộng phạm vi chấp nhận giao dịch thanh toán, rút tiền bằng thẻ chip MIR tại hệ thống ATM, POS của các ngân hàng thành viên Napas.
Khách Việt Nam du lịch và làm việc tại Nga có thể sử dụng thẻ ATM Việt Nam để rút tiền và thanh toán tại các điểm bán hàng.
Hai bên cũng sẽ nghiên cứu phát triển các dịch vụ tiềm năng phục vụ nhu cầu của công dân như thanh toán di động qua mã QR hay dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Nga.
Việc triển khai thành công hoạt động liên thông mạng lưới thanh toán có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện cam kết hợp tác giữa Chính phủ 2 nước trên toàn bộ các phương diện. Napas và NSPK sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu hợp tác để cung cấp các dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khách từ Nga tới Việt Nam tăng đều qua các năm. Trong thời gian này, khách đến từ Nga đạt 585.600 lượt, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Với lượng khách du lịch Nga tới Việt Nam ngày càng tăng, việc chấp nhận thanh toán bằng thẻ MIR sẽ góp phần tạo thuận tiện cho du khách.
Bên cạnh đó, dịch vụ triển khai cũng được quyết toán thông qua quy đổi trực tiếp 2 đồng tiền rub và VND, góp phần gia tăng nguồn ngoại tệ phục vụ giao thương.