Đầu tư 4.520 tỷ đồng xây 26 km đường 4 làn xe đoạn Mỹ An – Cao Lãnh

Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất Dự án đầu tư xây dựng tuyến Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
Đầu tư 4.520 tỷ đồng xây 26 km đường 4 làn xe đoạn Mỹ An – Cao Lãnh

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án này có điểm đầu tại Km95+875, tuyến N2 và kết thúc tại điểm đầu của Dự án cầu Cao Lãnh với chiều dài 26,16 km, nằm trọn trong phạm vi tỉnh Đồng Tháp.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến từ Mỹ An đi Cao Lãnh và các công trình trên tuyến,với chiều dài khoảng 26,16 km, cấp đường đạt tiêu chuẩn đường cao tốc (theo TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h; quy mô 4 làn, chiều rộng mặt đường 17m (bao gồm 2x0,75m lề đường + 4x3,5m mặt đường + 1,5m dải phân cách giữa), bố trí các đoạn dừng xe khẩn cấp theo quy định và hàng rào dọc tuyến.  

Tổng mức đầu tư công trình là 4.520 tỷ đồng, trong đó phần vay EDCP là 3.829 tỷ đồng, tương đương 196,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 691 tỷ đồng, tương đương 30,04 triệu USD.

Dự kiến thời gian triển khai thực hiện Dự án là 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực. Trên cơ sở ý kiến của EDCF, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét có văn bản đề xuất với nhà tài trợ EDCF về việc Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến Mỹ An – Cao Lãnh, với khoản viện trợ khoảng 11,69 tỷ đồng (tương đương 500.000 USD) từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của EDCF.

Được biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú nhất nước ta, hàng năm đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 12%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông đường bộ thì chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại cũng như trong tương lai.

Theo quy hoạch tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn qua khu vực ĐBSCL được hình thành trên cơ sở tuyến N2 và đường Hồ Chí Minh, đi qua trung tâm ĐBSCL nối từ Đức Hòa – Mỹ An – Cao Lãnh – Vàm Cống – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Hiện nay các đoạn tuyến Chơn Thành – Đức Hòa, Củ Chi – Đức Hoà, Đức Hòa - Thạnh Hóa, Thạnh Hóa – Mỹ An, Cao Lãnh – Lộ Tẻ (cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh – Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên) và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi có tổng chiều dài khoảng 293,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 42.432 tỷ đồng đã và đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trước năm 2020.

Trong đó có đoạn tuyến Mỹ An – Cao Lãnh có chiều dài 26 km hiện chưa được đầu tư xây dựng. Do đó, tuyến đường chưa kết nối GTVT trong khu vực. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và phát huy hiệu quả của các dự án đang đầu tư xây dựng và đã hoàn thành trong khu vực tuyến đi qua. Do độ “trễ” và đầu tư chưa đồng bộ trên toàn tuyến dẫn đến tình hình khai thác lưu thông trên các đoạn tuyến đã đầu tư sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư dự án sẽ phát huy hiệu quả của các dự án đã và đang được đầu tư trong vùng (như: DA Cầu Cao Lãnh, DA tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, DA cầu Vàm Cống, DA tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi….); nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn giao thông; kết nối các tuyến đường trong khu vực (các trục dọc và ngang trong khu vực); tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng trong vùng; rút ngắn được quãng đường và thời gian khi lưu thông từ các tỉnh miền Đông nam bộ và Tây Nguyên mà không phải đi qua trung tâm TP. Hồ Chí Minh (không phải lưu thông trên Quốc Lộ 1A  hiện nay đã quá tải) đến khu vực ĐBSCL.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục