Ban quản lý dự án 2 vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án có điểm đầu tại Km0 (Km127+720 của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; điểm cuối tại Km88 (trước giao cắt Tỉnh lộ 629), thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tổng chiều dài tuyến khoảng 88 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi là 60,3km), tỉnh Bình Định là 27,7 km.
Tuyến có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Trên tuyến dự kiến xây dựng 6 nút giao gồm: nút giao Km1+494.96 thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; nút giao Km19+300 nút giao Tỉnh lộ 624B, thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; nút giao Km34+315 nút giao Quốc lộ 24, thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; nút giao Km42+650 nút giao Đức Phổ, thuộc phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; nút giao Sa Huỳnh Km49+820, thuộc xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; nút giao Km79+028, thuộc phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tuyến còn có 3 hầm đường bộ, trong đó hầm dài nhất là hơn 3.200 m.
Dự án có tổng mức đầu tư là 20.469 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự kiến khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.
Đường cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam có ảnh hưởng và thu hút trực tiếp lưu lượng giao thông trong khu vực; kết nối một loạt các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định như Bãi biển Sa Huỳnh, Cảng Quy Nhơn, Tam Quan…
Do vậy, việc đầu tư xây dựng ngay đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và các đoạn tuyến khác hiện là một nhu cầu hết sức cấp thiết, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, giảm thời gian vận chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ du lịch của các tỉnh miền Trung nói riêng, đất nước nói chung mà còn là mong mỏi của các địa phương và các nhà đầu tư trong khu vực.