Đầu tư 1.435 tỷ đồng cải tạo 69 km Quốc lộ 28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, là trục giao thông theo hướng Đông - Tây ngắn nhất nối liền địa phận giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều đoạn đường đèo dốc, đường cong nằm, bán kính nhỏ nên việc vận chuyển hàng hóa trên QL28B tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. (Ảnh: Nguyệt Thu - báo Lâm Đồng). Nhiều đoạn đường đèo dốc, đường cong nằm, bán kính nhỏ nên việc vận chuyển hàng hóa trên QL28B tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. (Ảnh: Nguyệt Thu - báo Lâm Đồng).

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1754/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có điểm đầu tại Km0+000, giao Quốc lộ 1 tại Km1656+900, huyện Bắc Bình,tỉnh Bình Thuận; điểm cuối tại Km68+100 - Ngã ba Tahine giao với Quốc lộ 20 tạiKm185+690, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; chiều dài tuyến khoảng 69 km.

Công trình được xây dựng theo quy mô đường cấp III, 2 làn xe, nền đường rộng 12 m và mặt đường 11 đối với đoạn từ Km0+000-Km28+000; nền đường rộng 9 m đối với đoạn khoảng từ Km28+000-Km67+800; khổ cầu bằng khổ nền đường; riêng đoạn qua đèo Đại Ninh, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất khó khăn, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Hướng tuyến cơ bản bám theo hướng tuyến hiện hữu, cải tạo cục bộ một số vị trí để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật.

Tổng mức đầu tư Dự án là 1.435 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước; dự kiến bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án là 1.291,5 tỷ đồng. Công trình sẽ phải hoàn thành vào năm 2025.

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án 5 và các cơ quan liên quan triển khai công tác lập dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ quy định hiện hành.

Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, là trục giao thông theo hướng Đông – Tây ngắn nhất nối liền địa phận giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng (phía tây QL1A), kết nối tuyến Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 20 và các đường liên huyện ĐT.724, ĐT. 729, phát triển kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp Quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên , vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia (thông qua cửa khẩu Buprăng và cửa khẩu Đăk Peur).

Đây cũng là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết các tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển “tam giác du lịch” Đà Lạt – Phan Thiết – TP.HCM.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ tạo thuận lợi giảm chi phí vận doanh của hàng hóa, phát triển sản xuất, tiêu dùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời tăng cường năng lực vận chuyển alumin, than đá và các vật tư thiết yếu cho 2 nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thông qua Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Đầu tư tuyến tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, chia sẻ, giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 20, rút ngắn cự ly lưu thông giữa Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Hiện trạng, tuyến đường trước đây là đường chuyên dùng phục vụ thi công Nhà máy thủy điện Đại Ninh, hiện trạng mặt đường láng nhựa khá nhỏ hẹp (rộng 5,5m) được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu với quy mô đường cấp IV miền núi có châm chước.

Hiện nay, nền mặt đường đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, trên tuyến còn một số đường cong nằm bán kính nhỏ, nên việc vận chuyển hàng hóa container, xe chuyên dùng, vận chuyển hành khách không đảm bảo an toàn giao thông. Do đó, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường là hết sức cấp thiết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục