Dầu thô khởi sắc, phố Wall vẫn bị “nhấn chìm”

(ĐTCK) Dù giá dầu thô có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, nhưng kết quả kinh doanh nghèo nàn của một số tập đoàn đã khiến phố Wall chìm trong săc đỏ.
Kết quả kinh doanh kém khả quan khiến giới đầu tư phố Wall bi quan (Ảnh minh họa: AFP) Kết quả kinh doanh kém khả quan khiến giới đầu tư phố Wall bi quan (Ảnh minh họa: AFP)

Trong phiên giao dịch thứ Tư, giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp khi kho dự trữ dầu thô giảm mạnh trong tuần trước so với con số dự đoán tăng của giới phân tích hôm thứ Ba, trong khi nguồn cung lại bị hạn chế do cháy rừng tai Canada và cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại Nigeria.

Thông thường, việc giá dầu thô tăng mạnh sẽ giúp sức cho phố Wall khởi sắc, nhưng trong phiên thứ Tư, điều này đã không xảy ra do các vật cản quá lớn.

Kết quả kinh doanh vừa công bố của Walt Disney, Macy và Fossil tồi tệ đã khiến chỉ số S&P tiêu dùng có ngày giảm tồi tệ nhất trong 3 tháng, kéo chỉ số Dow Jones có phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2.

Thậm chí, tâm lý bi quan của nhà đầu tư còn kéo cả cổ phiếu năng lượng giảm theo. Trong 10 chỉ số thành phần của S&P đều giảm điểm.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Dow Jones giảm 217,23 điểm (-1,21%), xuống 17.711,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,93 điểm (-0,96%), xuống 2.064,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 49,19 điểm (-1,02%), xuống 4.760,69 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,84 điểm (+0,09%), lên 6.162,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 70,12 điểm (-0,70%), xuống 9.975,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 21,54 điểm (-0,50%), xuống 4.316,67 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, nhưng đà tăng khiêm tốn hơn rất nhiều so với 2 phiên trước do đồng yên tăng trở lại so với đồng USD.

Trong khi đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông thận trọng chờ đợi thông tin thêm từ kinh tế Trung Quốc, nên chỉ số Hang Seng giảm gần 1%, trong khi chứng khoán Trung Quốc hồi nhẹ.

Kết thúc phiên 11/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,82 (+0,08%), lên 16.579,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 187,39 (-0,93%), xuống 20.055,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 4,45 điểm (+0,16%), lên 2.837,04 điểm.

Tâm lý bi quan trên thị trường chứng khoán đã hỗ trợ đắc lực cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 11/5, giá vàng giao ngay tăng 11,4 USD (+0,9%), lên 1.276,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 10,7 USD (+0,85%), lên 1.275,5 USD/ounce.

Theo số liệu mới công bố của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm mạnh 3,4 triệu thùng so với con số dự đoán tăng 750.000 thùng của giới phân tích. Đây là tuần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2016. Trong khi đó, nguồn cung cũng đang giảm do cháy rừng tại Canada và xung đột tại Nigeria, Lybia.

Những thông tin trên giúp giá dầu thô tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, trong đó giá dầu thô Brent tiếp tục có phiên tăng hơn 4%.

Kết thúc phiên 11/5, giá dầu thô Mỹ tăng 1,57 USD (+3,40%), lên 46,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,08 USD (+4,37%), lên 47,60 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục