Liệu các hãng hàng không châu Âu cùng với Mỹ có thể thay đổi diện mạo của ngành hàng không toàn cầu, đưa nó trở lại những nguyên tắc vốn có?
Các hãng hàng không lớn tại châu Âu đang phải cắt giảm chi phí và hạn chế mở rộng các lộ trình và tuyến bay xuyên lục địa, trong bối cảnh nhân tố thúc đẩy lợi nhuận của họ là giá dầu mỏ thấp đã “nhạt dần”.
Trên thực tế, ngành hàng không toàn cầu đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong vài năm qua. Tại Mỹ, lần đầu tiên kể từ khi những quy định tái quản lý vận tải hàng không đưa ra năm 1978, ngành hàng không Mỹ đã đạt được mức lợi nhuận cao đáng kể để xứng đáng đầu tư, ghi nhận sự phục hồi sau cú sốc kép: vụ khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ lại đang có xu hướng giảm trong năm 2016. Trong khi đó, các cổ đông không tin rằng các hãng hàng không lớn sẽ quay trở lại với thói quen cũ để tái phân bổ lợi nhuận tới khách hàng bằng cách bổ sung các chuyến bay mới và giảm giá vé.
Giao thông hàng không không chỉ là một trải nghiệm thú vị, mà nó còn trở nên rẻ và linh hoạt hơn với sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ. Ví dụ, một chuyến bay khứ hồi từ sân bay London City tới Rotterdam của Hãng hàng không CityJet (Ailen) chỉ có giá 140 bảng, bao gồm cả thuế. Điều đó thực sự không thể xảy ra trong quá khứ, song đã trở thành phổ biến ở thời điểm hiện tại.
Một ví dụ khác là khi hành khách đặt vé đi Thổ Nhĩ Kỹ (nơi vé máy bay trở nên rẻ hơn sau các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Istanbul và Ankara), hãng hàng không EasyJet cho phép hành khách lựa chọn ba điểm đỗ tại ba sân bay khác biệt ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet và Ryanair đã học được kinh nghiệm từ Starbucks khi “gom” các điểm đến thật đa dạng và gần nhau, giống như cách mà Starbucks mở rộng chuỗi cửa hàng cà phê của mình.
Họ có thể thực hiện điều đó mà vẫn có lãi, đơn giản vì chi phí vận hành của họ thấp và sự tăng trưởng không ngừng trong năng lực hàng không vài thập kỷ qua đã đẩy các đối thủ cạnh tranh như AirFrance - KLM vào tình thế khó khăn hơn.
Sự mất cân bằng dai dẳng giữa nguồn cung và nhu cầu, nhân tố càng trở nên tồi tệ hơn khi những “lính mới” (tức các hãng hàng không giá rẻ) liên tục bổ sung tuyến bay, trong khi các hãng hàng không “kỳ cựu” giảm bớt năng lực vận tải hàng không đã biến ngành hàng không thế giới rơi vào tình thế mà nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffet từng gọi đó là “bẫy chết chóc cho các nhà đầu tư”.
Về lý thuyết, các hãng hàng không không nên “liều mạng” hy sinh lợi nhuận của mình bằng cách gia tăng công suất tại thời điểm chu kỳ phát triển hàng không đã đạt đỉnh. Đó chính là điều mà IAG và Lufthansa đang cố gắng tránh khi cắt giảm các tuyến bay trong tuần này, cho dù giá cổ phiếu của Lufthansa đã giảm trong quý đầu tiên năm nay.