Grab là công ty taxi hay công nghệ?
Việc định danh Grab cung cấp dịch vụ taxi hay công nghệ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh hoạt động của Grab sau khi Đề án 24 thí điểm xe hợp đồng điện tử kết thúc. Vì thế, cả Vinasun và Grab đều tập trung củng cố quan điểm của mình về vấn đề này.
Vinasun cho rằng, Grab đã tham gia vào toàn bộ quá trình điều hành xe, tuyển dụng tài xế, quyết định giá cước, thưởng phạt tài xế… như công ty taxi. Grab là doanh nghiệp vận tải taxi và có hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho Vinasun.
Grab chủ định xây dựng thương hiệu cho dịch vụ taxi Grab và phần lớn khoản lỗ do thưởng cho các tài xế, thực chất là hình thức trợ giá nhằm chiếm thị phần. Vinasun kiện Grab dựa vào các án lệ trên thế giới vì Grab có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Công ty.
Còn Grab, sau khi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Công ty liên tục công bố thông tin khẳng định định hướng là công ty công nghệ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải, kết nối giữa các khách hàng có nhu cầu và những đối tác có xe, điển hình là Grab hợp tác với Mekong Taxi tại Bạc Liêu.
“Với vai trò là một công ty công nghệ, Grab đang cung cấp một nền tảng mở và chúng tôi chào đón mọi công ty taxi tham gia hợp tác với mục tiêu cùng mang đến dịch vụ di chuyển an toàn, tiện lợi cho người dùng, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cho Công ty và tăng thêm thu nhập cho tài xế”, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam nói.
Vinasun có thể “chuyển mình” như Grab
Trong thông cáo báo chí ngày 22/11, Grab bác toàn bộ kết quả giám định xác định thiệt hại của Vinasun do Công ty Thẩm định Giám định Cửu Long thực hiện.
Grab lập luận, Công ty đang cung cấp một nền tảng trực tuyến cho mọi doanh nghiệp vận tải và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Điều này đã được Chính phủ công nhận thông qua việc đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 24.
Thực tế, Vinasun cũng được trao cơ hội ngang bằng trong việc ứng dụng công nghệ để cạnh tranh một cách công bằng và nâng cao hiệu quả hoạt động cho tài xế, mang đến lợi ích tốt hơn cho khách hàng.
Grab không thể chịu trách nhiệm cho năng lực cạnh tranh kém của ứng dụng Vinasun và dịch vụ V.Car (phần mềm của Vinasun) trên thị trường.
Các lập luận của Vinasun về việc các công ty xe công nghệ đưa ra dịch vụ giá rẻ, có chương trình khuyến mại cho hành khách, có chương trình thưởng cho tài xế… là vô lý. Bởi lẽ, đây là những hoạt động hợp pháp mà bất cứ công ty nào, bao gồm cả Vinasun, đều có thể thực hiện để cạnh tranh tốt hơn.
Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng, Công ty không cổ xúy việc kéo Grab xuống, mà muốn một môi trường kinh doanh lành mạnh dựa trên 3 quy chuẩn phương tiện, lái xe và điều hành quản lý.
“Thà chúng tôi không làm taxi nữa chứ không kinh doanh theo cách bung tỏa không cần các điều kiện”, ông Quý nói. “Grab nói mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam nhưng chỉ có một bộ phận người dân đi xe Grab, còn đóng góp cho ngân sách nhà nước thì rất ít.
Trong 3 năm qua Vinasun đóng cho ngân sách nhà nước trên 1.200 tỷ đồng, còn Grab đóng 9,5 tỷ đồng, năm 2018 mới đóng hơn 200 tỷ đồng. Trong khi đến tháng 6/2018, Grab có số lượng xe khổng lồ trên 70.000 xe, còn Vinasun có 4.800 xe”.
Hiện nay, hàng nghìn xe Grab không có dấu hiệu nhận dạng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy chuẩn về điều hành quản lý để giải quyết vấn đề liên quan các sự cố giao thông, thực hiện các quy định pháp luật, chính sách thuế với nhà nước… Thiết lập các quy chuẩn này gắn với các yếu tố phát triển của công nghệ một cách khoa học là hành lang chung để các công ty taxi phải tuân thủ, dù là Vinasun hay Grab.
Sau Tòa, áp lực trên vai nhà quản lý
Ngày 19/11, Báo Người đại biểu nhân dân tổ chức buổi tọa đàm kinh tế chia sẻ mô hình gọi xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ. Các đại biểu tham dự đều cho rằng, muốn phát triển bền vững, cần những quy chuẩn pháp luật làm hành lang chung cho các công ty như Vinasun và Grab khi hiện nay, mỗi loại hình công ty hoạt động theo quy chuẩn khác nhau.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, nguyên Trưởng Bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố, Trường Đại học Giao thông Vận tải nêu quan điểm, vận tải hành khách bằng bất cứ loại hình nào thì tính mạng con người là trên hết, cần điều kiện về niên hạn chất lượng phương tiện, điều kiện người lái, nhận diện xe để quản lý khi tham gia giao thông vì nhiều phố cấm xe taxi.
Ngoài ra, ông Sùa kiến nghị “cởi trói” cho các hãng taxi hiện tại. Buộc các hãng taxi phải tính giá bằng đồng hồ, mỗi lần điều chỉnh giá cước phải kiểm định đồng hồ là quá khắt khe. Doanh nghiệp taxi nên được sử dụng công nghệ báo giá như Grab.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải cần nhìn nhận lại, nguyên tắc của thí điểm xe hợp đồng phải có không gian, thời gian và số lượng. Loại hình taxi có quy hoạch, mỗi tỉnh được chạy bao nhiêu chiếc, nhưng xe hợp đồng là không có quy hoạch.
Thí điểm 2 năm từ 8/1/2016 đến 8/1/2018, số lượng xe thí điểm nhiều hơn taxi truyền thống. Theo ông Tuấn, công ty taxi chịu 13 điều kiện kinh doanh, trong khi Grab có 1 - 2 điều kiện, cơ quan quản lý nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm điều kiện cho công ty taxi.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, phải đảm bảo công bằng cho tất cả các thành phần tham gia thị trường dịch vụ vận chuyển. Ông cho biết, Uber trước đây và Grab mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với lịch trình, giá cả rõ ràng. Tuy nhiên, vì giá rẻ còn cần phải nghĩ đến người lao động là lái xe để đảm bảo an sinh xã hội.
Câu chuyện Vinasun kiện Grab đang đặt áp lực lên vai cơ quan quản lý trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho một loại hình kinh doanh mới và tạo môi trường kinh doanh công bằng còn lớn hơn cả Tòa án đang nghiên cứu các thông tin để đưa ra phán quyết cho vụ kiện.