Vụ Vinasun kiện Grab: Tranh cãi việc bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng

(ĐTCK) Phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 4 vụ án “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của nguyên đơn là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán VNS) và bị đơn Công ty TNHH GrabTaxi (nay đổi tên thành Grab) vừa được mở lại (ngày 17/10) sau 3 lần trì hoãn và hai bên tiếp tục tranh cãi việc bồi thường hơn 41 tỷ đồng.
Vụ Vinasun kiện Grab: Tranh cãi việc bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng

Grab không công nhận kết quả giám định thiệt hại 41 tỷ đồng

Theo kết quả giám định thiệt hại của CTCP Thẩm định giám định Cửu Long - đơn vị thẩm định độc lập do tòa chỉ định, tổng thiệt hại của Vinasun tính từ 1/1/2016 đến hết tháng 6/2017 là 158,65 tỷ đồng.

Trong đó, 94% đến từ việc giảm giá trị vốn hóa thị trường (tương đương với 150 tỷ đồng) và 6% là giảm doanh thu từ taxi. Tuy nhiên, ở yêu cầu khởi kiện ban đầu, căn cứ vào kết quả kiểm toán, Vinasun chỉ yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

Phía Grab cho rằng, việc áp dụng giá trị cổ phiếu VNS trên thị trường chứng khoán từ ngày 1/1/2016 đến hết tháng 6/2017 để giám định mức độ thiệt hại là vô lý nên không công nhận kết quả giám định này, đồng thời yêu cầu triệu tập đơn vị giám định với lý do số liệu không thống nhất về lượng xe taxi của Vinasun tại bản kết luận của bên giám định.

Phần hỏi của bị đơn về các căn cứ xác định số tiền bồi thường hơn 41 tỷ đồng chưa sáng tỏ do đại diện công ty giám định không có mặt, không thể tiến hành đối chất.

Liên quan đến kết quả thẩm định đánh giá nguyên nhân khách hàng không lựa chọn Vinasun chủ yếu do yếu tố chi phí (70%) và một phần do chất lượng dịch vụ, đại diện ủy quyền của Vinasun - ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, chi phí của Grab cạnh tranh được với các hãng taxi truyền thống là nhờ "né" được 13 điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp vận tải phải gánh.

Theo ông Quý, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh taxi như Vinasun phải đóng thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, các loại bảo hiểm theo quy định cho lái xe là 32%.  Trong khi đó, Grab được áp thuế VAT là 3%, thuế kinh doanh phần mềm 2% và không bị ràng buộc bởi các loại bảo hiểm đối với lái xe.    

Vinasun tung bằng chứng Grab không phải công ty công nghệ

Theo Vinasun, trong đăng ký kinh doanh của Grab có các mã ngành, nghề kinh doanh vận tải như “Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành” (trừ vận tải bằng xe buýt), “Vận tải hành khách đường bộ khác”, “Vận tải hàng hóa bằng đường bộ”... nên Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Về phía Grab, đơn vị này tiếp tục phủ nhận việc trực tiếp tham gia ở các hoạt động trên và khẳng định chỉ hỗ trợ quản lý hoạt động vận tải cho doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải.

Chẳng hạn, ở việc điều chỉnh giá cước, đại diện Grab cho biết, mức giá là do các doanh nghiệp vận tải quản lý trực tiếp tài xế đưa ra. Các đề xuất sẽ được đưa vào hệ thống của Grab và bằng thuật toán AI sẽ cho ra mức giá áp dụng.

Đại diện Grab cho biết, theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là “Đề án 24”), Grab được cung ứng phần mềm đặt xe cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để các doanh nghiệp vận tải này thực hiện việc kinh doanh vận tải hành khách.

Liên quan đến vấn đề này, Vinasun cho biết, nội dung trình bày với tòa án của đại diện 9 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải được Grab xác định là “đối tác” trong việc triển khai thực hiện “Đề án 24” đều khẳng định, họ chỉ “cấp” phù hiệu xe hợp đồng cho tài xế để đủ điều kiện “xe hợp đồng” theo quy định, còn việc định giá cước, điều động xe, thưởng phạt tài xế là do Grab tự quyết định.

Tương tự, các hoạt động khác như chương trình ưu đãi, quảng cáo và tiếp thị, giải quyết khiếu nại, tranh chấp, nộp thuế, mua bảo hiểm... cũng đều do Grab thực hiện.

Theo đó, Vinasun khẳng định, các hoạt động này là của doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải là hoạt động của doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng gọi xe.

Ngoài ra, Vinasun còn cho biết, trong danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải tham gia “Đề án 24” với Grab, có cả những đơn vị ở Phú Quốc và Bình Dương - là 2 địa phương không nằm trong danh sách thí điểm Đề án.

Tuy nhiên, tại phiên xử chiều ngày 19/10, Grab đã bác bỏ toàn bộ lời khai của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải là đối tác của Grab được tòa triệu tập. Luật sư phía Grab cho rằng, 9 đơn vị không thể đại diện cho hơn 300 đơn vị đối tác của Grab.

Việc chứng minh Grab là doanh nghiệp taxi chỉ là một trong các căn cứ mà Vinasun đưa ra để khởi kiện, đồng thời cáo buộc Grab vi phạm luật pháp. Trong khi đó, tòa tiếp tục yêu cầu Vinasun đưa ra chứng cứ chứng minh việc vi phạm Đề án 24 của Grab, đồng thời yêu cầu Grab nêu ra điểm tích cực của doanh nghiệp.

Trên TTCK, cổ phiếu VNS đang dao động quanh mức 18.000 đồng/CP. Vào năm 2016, VNS được giao dịch khá sôi động tại vùng giá 30.000-35.000 đồng/CP.

Hiện tại, phiên xử sơ thẩm lần 4 vụ kiện giữa Vinasun và Grab chưa rõ ngày kết thúc. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi có diễn biến mới.

Ninh Cơ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục