Dấu hỏi về thoái vốn, quản trị tại Công ty cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai năm nay, câu chuyện thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino) được nhà đầu tư quan tâm, nhưng mãi không rõ lộ trình. Gần đây, trên thị trường lại có thông tin đồn đoán về việc thoái vốn nhà nước.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thắc mắc về quản trị

PVMachino có 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% vốn tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% vốn tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam.

Lợi tức nhận được từ 3 liên doanh đạt trên 80 tỷ đồng mỗi năm trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ PVMachino năm 2019 chỉ đạt 41 tỷ đồng, năm 2018 là 34 tỷ đồng, năm 2017 là 28 tỷ đồng.

Tình trạng này dẫn đến không ít cổ đông có ý kiến gay gắt về việc Công ty phải tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông.

Một bộ phận cổ đông cho rằng, nếu Công ty giải tán tất cả phòng ban và không cần làm gì thì mỗi năm cũng sẽ có khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp đôi lợi nhuận năm 2019.

Thậm chí, một bộ phận cổ đông còn cho rằng, nếu Công ty giải tán tất cả phòng ban và không cần làm gì thì mỗi năm cũng sẽ có khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp đôi lợi nhuận năm 2019.

Sau Đại hội cổ đông năm 2020, một nhóm cổ đông đã có văn bản gửi Công ty và PV Power đề nghị trả lời hàng loạt vấn đề về hoạt động kinh doanh, thu hồi công nợ, chi phí quản lý, lương thưởng, phúc lợi.

Nhóm cổ đông này còn góp ý với Công ty xung quanh vấn đề tái cơ cấu hoạt động và cho rằng, bộ máy hiện tại cồng kềnh, nhiều phòng ban, bộ phận hoạt động kém hiệu quả.

Chẳng hạn, Trung tâm Hợp tác lao động và dịch vụ quốc tế chỉ xuất khẩu được 32 lao động năm 2019, doanh thu tương ứng 790 triệu đồng, trong khi phải duy trì nhân sự 9 người và 1 phó tổng giám đốc phụ trách.

Chi phí nhân công năm 2019 của công ty mẹ ở mức 21 tỷ đồng cho quy mô nhân sự 70 lao động, thu nhập bình quân 19 triệu đồng/tháng, chưa kể trích quỹ khen thưởng, phúc lợi tỷ lệ 13% lợi nhuận sau thuế và các phúc lợi khác như bảo hiểm nhân thọ 10,7 tỷ đồng (trung bình 150 triệu đồng/người/năm).

Nhóm cổ đông kiến nghị PV Power kiểm tra toàn bộ hoạt động của PVMachino, quy trách nhiệm để xác định những tồn tại và giúp tìm ra giải pháp khắc phục nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Mù mờ lộ trình thoái vốn nhà nước

PVMachino (mã chứng khoán PVM) có vốn điều lệ 386 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 51,6% do Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) làm đại diện.

Năm 2018, khi PV Power cổ phần hóa, bản công bố thông tin bán cổ phần lần đầu ra công chúng cho biết, Tổng công ty sẽ thoái toàn bộ vốn tại PVMachino.

Tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo PV Power chia sẻ, PVMachino là đơn vị có nhiều tiềm năng và khi thoái vốn, Tổng công ty sẽ tiến hành thẩm định giá trị, thực hiện thoái vốn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không xảy ra thất thoát, thu về hiệu quả tối đa.

Từ đó tới nay, PV Power vẫn chưa tìm được thời điểm thoái vốn. Các báo cáo gần đây của doanh nghiệp này chỉ ghi nhận về công tác thoái vốn với nội dung sẽ thực hiện công tác thoái vốn theo lộ trình, mà không nêu chi tiết lộ trình ra sao.

Trong khi đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2020 tổ chức ngày 20/5 của PVMachino đã bầu lại Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và có 2 nhân sự mới trong Hội đồng quản trị là đại diện của cổ đông Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ.

Sự xuất hiện những nhân tố mới này khiến nhà đầu tư càng tập trung sự chú ý vào công tác thoái vốn nhà nước.

Gần đây, trên thị trường có thông tin đồn đoán rằng, PV Power đang xin chấp thuận chủ trương thoái vốn tại PVMachino.

Thông tin này kết hợp với thị trường chung có diễn biến khả quan thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá cổ phiếu PVM tăng từ quanh ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu lên quanh 13.000 đồng/cổ phiếu.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với PV Power để tìm hiểu về vấn đề thoái vốn nhà nước, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục