Theo đó, doanh thu quý IV/2018 của PVM đạt 199,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 102,7 tỷ đồng của quý IV/2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau chỉ đạt 4,65 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2018, PVM đạt doanh thu 822,2 tỷ đồng, tăng 35% so với 676,5 tỷ đồng của năm 2017 và lợi nhuận sau thuế 36,8 tỷ đồng, tăng 25%.
Tại ngày 31/12/2018, Công ty mẹ PVM có khoản tiền và tương đương tiền 25,5 tỷ đồng, giảm 26% so với số đầu năm (33,4 tỷ đồng).
Các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng 311 tỷ đồng, giảm 26% so với con số 425 tỷ đồng so với đầu kỳ, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi ở mức 214,8 tỷ tăng 12%.
PVM có vốn điều lệ 386,38 tỷ đồng, là công ty con của Tổng công ty Điện lực dầu khí PVPower (POW - HOSE).
Theo Bản công bố thông tin IPO của PVPower, sau khi cổ phần hóa, công ty mẹ PV Power sẽ thoái toàn bộ vốn tại PVM
Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông bất thường của POW diễn ra vào tháng 11/2018, POW cho biết, sẽ cân nhắc ý tưởng về việc chuyển các công ty con, đặc biệt là PVM từ UPCoM lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán để có thể thoái vốn đạt hiệu quả cao.
PVM là doanh nghiệp chuyên cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư cho nhiều dự án lớn trong và ngoài ngành dầu khí.
Hiện công ty này đang quản lý và sử dụng 1.827 m2 đất tại số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và 1.500 m2 đất tại 25 đường Hùng Vương, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, PVM còn liên doanh với các đối tác để khai thác nhiều khu đất vàng khác như liên doanh với Tổng công ty Vận tải Hà Nội để khai thác lô đất Nhà số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất nhà số 7 Đinh Tiên Hoàng.
PVM cũng đang quản lý lô đất lớn, vị trí đẹp tại huyện Đông Anh, Hà Nội, góp vốn liên doanh với các đối tác Nhật Bản như Honda, Itochu Corporation, Showa Corporation, FCC, Nippon Seiki, Asia Motor… để sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác.
Các liên doanh này hàng năm mang lại cho PVM số cổ tức tiền mặt khoảng từ 80-100 tỷ đồng.