Vừa qua, PPH đã thoái thành công 4 triệu cổ phần NTT. Theo báo cáo, giao dịch thoái vốn ở NTT diễn ra ngày 18/11/2019 theo phương thức thỏa thuận.
Sau khi thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của PPH tại NTT giảm từ 52% xuống 30,3%. Theo dữ liệu giao dịch được công bố, số tiền PPH thu về là 50,8 tỷ đồng, giá chuyển nhượng khoảng 12.700 đồng/cổ phần.
Trước đó, HĐQT PPH đã quyết định về việc thoái vốn tại NTT theo phương thức chào bán riêng lẻ có sự cạnh tranh về giá nhằm mục đích thu hồi vốn tại đây để bù đắp cho các chương trình đầu tư sợi chỉ may, khăn, may mặc.
Được biết, theo quy định tại Điều 39 - Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần phải thực hiện theo phương thức khớp lệnh đối với công ty đã niêm yết, còn với công ty chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải thực hiện đấu giá công khai.
Nếu đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Trong trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì mới thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Cũng trong năm 2019, PPH còn thoái vốn tại Công ty cổ phần Dệt Đông Nam qua Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), thay vì tổ chức đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán.
Theo đó, vào tháng 5/2019, PPH chào bán hơn 1,5 triệu cổ phần, tương đương 25% vốn trong tổng số 60,99% vốn điều lệ tại Dệt Đông Nam với mức giá khởi điểm 18.777 đồng/cổ phần, tổng giá trị thoái vốn hơn 28 tỷ đồng.
Sau phiên đấu giá, PPH còn sở hữu 35,99% vốn Dệt Đông Nam, “vừa đủ” để không nắm quyền phủ quyết.
Dệt Đông Nam là doanh nghiệp có tiếng trong ngành nghề xơ sợi, vải dệt và nguyên phụ liệu ngành dệt may, song doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn. Năm 2018, Dệt Đông Nam đạt doanh thu 256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại được nhiều đối tác “nhòm ngó” khi có trụ sở tọa lạc tại khu đất diện tích hơn 5,7 ha ở số 727 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo thông tin công bố, lô đất đã được lập dự án Khu nhà ở - Trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Dệt Đông Nam là chủ đầu tư dự án.
Trước đây, PPH đã từng gây xôn xao dư luận về vụ sát nhập công ty con là Công ty cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú, tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, nhưng Dệt Gia dụng Phong Phú hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm trước sáp nhập cao gấp đôi EPS của PPH.
Sau đó, năm 2015, PPH tiếp tục gây xôn xao về vụ việc xóa khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính khoảng 230 tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2014.
Được biết, tiền thân của PPH là Khu kỹ nghệ Sicovina - Phong Phú, trực thuộc Công ty Kỹ nghệ bông vải Việt Nam, sau đổi tên thành Nhà máy Dệt Phong Phú.
Hiện PPH là công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn với vốn điều lệ 746 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dệt may (Vinatex).
PPH hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực, mà chủ yếu là lĩnh vực dệt may và bất động sản. Công ty có tổng đầu tư tài chính dài hạn tính đến 30/6/2019 là 600 tỷ đồng (tăng 15% so với đầu năm) và dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn là 14 tỷ đồng.
Đáng chú ý, PPH liên doanh, liên kết với 10 công ty khác, trong đó có “mỏ vàng” Coats Phong Phú (là liên doanh của PPH với tỷ lệ sở hữu 35% với Coats Plc. của Anh quốc) chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ cho hàng may mặc và giày da xuất khẩu, vốn điều lệ 243,5 tỷ đồng. Coast Phong Phú mỗi năm mang về cho PPH hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức.
Theo báo cáo tài chính tổng hợp, PPH đạt doanh thu quý III/2019 là 557,6 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 62,2 tỷ đồng, tăng 10%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, PPH đạt doanh thu 2.177,5 tỷ đồng, giảm 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 165,5 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2018.