Dấu hỏi từ dự án bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy

(ĐTCK) Việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất xây dựng bãi xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Công viên Cầu Giấy nằm trong Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội Công viên Cầu Giấy nằm trong Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đề xuất táo bạo…

Báo Đầu tư Bất động sản vừa nhận được đơn thư của người dân Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội phản ánh về đề xuất xén Công viên Cầu Giấy làm bãi đỗ xe của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ.

Theo đơn thư phản ánh của người dân, đầu tháng 2/2019, UBND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tổ chức lấy ý kiến đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án Điều chỉnh cục bộ một phần ô đất K6-3/CXDDT1 trong quy hoạch phân khu H2-2, tỷ lệ 1/2000 và Quy hoạch Tổng mặt bằng - Phương án kiến trúc dự án: Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại do Công ty Tây Hồ đề xuất theo Tờ trình số 05/2018/TT-CTTH ngày 14/6/2018. Với diện tích đất là 14.500 m2, dự án gồm 3 tầng hầm và một nhà điều hành trên mặt đất có diện tích 725 m2.

Trong đó, tầng hầm 1 là khu vực dịch vụ thương mại với diện tích khoảng 12.000 m2 (bao gồm khu tập thể thao gym, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện - họp sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại ...). Tầng hầm 2, 3 bố trí chỗ đỗ xe, có diện tích sàn khoảng 29.000 m2, công suất đỗ xe khoảng 820 xe.

Xây dựng một nhà điều hành trên mặt đất với diện tích 725 m2 với chiều cao 9 m làm nhà quản lý, vận hành, bảo vệ, thiết bị. Tổng đầu tư khoảng 565 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có và huy động hợp pháp của Công ty.

Đề xuất này đã được UBND TP. Hà Nội giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh cục bộ quy hoạch và khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp của Luật Quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, theo những hộ dân sống tại các tòa nhà: N04B1, N04B2, N06B1, N06B2, N07B1.1, N07B1.2, N07B2, N07B3, N08B, N09B1, N09B2, N10, Hà Đô Parkview, Hà Đô Parkside và khu biệt thự liền kề…, sinh sống cận kề Công viên Cầu Giấy, dự án bãi đỗ xe ngầm đã thể hiện những bất cập, làm phá vỡ quy hoạch H2-2, tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt từ trước.

 Công viên miễn phí và là địa điểm vui chơi, giải trí, thể thao của rất đông người dân 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phụng, đại diện dân cư Tòa nhà N10 Khu đô thị mới Dịch Vọng cho rằng, dự án xây bãi đỗ xe là không cần thiết vì chỉ cách Công viên Cầu Giấy vài chục mét đã có một nhà để xe rồi. Hơn nữa, trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện chưa được xây dựng. Thậm chí, có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng không đúng mục đích.

Cũng theo các hộ dân, Quy hoạch chi tiết phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000, trong đó có ô đất ký hiệu K6-3/CXĐT1 (Công viên Cầu Giấy hiện nay) là một quy hoạch hoàn chỉnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch này đã tính đến yếu tố hài hoà của không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường trong khu vực. Việc điều chỉnh quy hoạch với mục đích để xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong lòng Công viên Cầu Giấy đã ảnh hưởng đến tính chất, chức năng của ô đất K6-3/CXĐT1 được quy hoạch làm công viên cây xanh, lá phổi xanh cho cả khu vực, phá vỡ tính liên tục, đồng bộ của toàn bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 (mục 2, Điều 49 và mục 2, Điều 67, Luật Quy hoạch đô thị).

… và những câu hỏi?

Một câu hỏi được người dân đặt ra là tại sao phải lấy đất công viên để xây bãi đỗ xe trong khi tại Khu đô thị mới Dịch Vọng trong quy hoạch đã được phê duyệt có 5 bãi đỗ xe công cộng, nhưng hiện tại hoặc là chưa được xây dựng, hoặc là đang được sử dụng không đúng mục đích? Đấy là chưa kể đến hàng hàng chục dự án bỏ hoang gần khu vực này chưa được triển khai xây dựng, gây lãng phí tài nguyên đất và nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Theo người dân sở tại, nếu triển khai xây dựng bãi xe ngầm, tại sao Hà Nội không thu hồi những dự án này để thực hiện, mà lại “xén” đất công viên, nơi hoạt động vui chơi, cộng cộng của người dân?

Việc gần 900 ô tô hàng ngày ra vào bãi đỗ xe với 2 lối vào và ra nằm trong công viên, cộng với lượng người đổ về khu dịch vụ thương mại sẽ gây ra ô nhiễm nghiêm trọng tại công viên về khói bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của cư dân sống gần công viên, gây mất an toàn giao thông cho những người đi bộ trong công viên, gây ùn tắc giao thông cục bộ cho khu vực lân cận quanh công viên vốn đã rất đông đúc. Đặc biệt, trong khu vực gần công viên tập trung 25 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Công viên là nơi nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại để các cháu hiểu biết và gần gũi với thiên nhiên hơn, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các cháu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên thực tế, từ năm 2010 Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của Thành phố. Tuy nhiên, 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), Khu thể thao Quần Ngựa (quận Ba Đình), Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) đều chưa được khởi công, sử dụng không đúng mục đích...

Mặt khác, theo nhận định của các chuyên gia, khi thực hiện mỗi dự án đỗ xe ngầm đều có quy trình thẩm tra năng lực kéo dài. Không phải doanh nghiệp nào muốn đề xuất là được, đa số phải qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, kiểm tra năng lực kinh nghiệm quản lý khai thác của nhà đầu tư… Hơn nữa, đây còn là một dự án sử dụng đất công, thì càng cần công khai, minh bạch.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, lo ngại của người dân sống gần Công viên Cầu Giấy cũng là lo lắng của cư dân Hà Nội nói chung trong bối cảnh cuộc sống ngày càng cần những không gian sống xanh. Một dự án bãi xe ngầm khi lựa chọn vị trí phải là nơi thuận tiện ra vào, không xung đột giao thông và có khả năng kết nối với các công trình ngầm hiện có của các tòa nhà xung quanh. Trong khi vị trí ở giữa Công viên không giúp cải thiện lưu thông đường phố, thậm chí còn có thể gây ách tắc, hơn nữa dự án sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống thì không nên.

“Công viên là đất công cộng, dự án xén đất công thành đất tư như vậy liệu có phù hợp?”, ông Ánh đặt câu hỏi.

Còn theo kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), việc chuyển hạ tầng giao thông xuống lòng đất là xu thế đúng, điều quan trọng là đặt vào hoàn cảnh nào, vị trí nào. Nó cần phải phù hợp với các yếu tố về quy hoạch hạ tầng, mật độ dân cư, giao thông, xây dựng… Với dự án này, trước hết cần xem lại mật độ xây dựng, cơ sở hạ tầng khu vực này có phù hợp hay không.

Để có cái nhìn đa chiều về dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ qua điện thoại để đặt lịch hẹn với lãnh đạo Công ty Tây Hồ. Tuy nhiên, đại diện Công ty Tây Hồ cho biết: “Dự án này chúng tôi đang trong quá trình thăm dò, hiện tại lãnh đạo Công ty bận không hẹn lịch tiếp phóng viên được. Mọi thông tin mời anh lên UBND phường (phường Dịch Vọng - PV), vì trên đấy có đầy đủ thông tin về dự án”.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phụng cho biết, hiện cư dân rất bức xúc khi chủ đầu tư có văn bản cho rằng người dân thông tin sai, lôi kéo, quấy rối.

Liên quan đến dự án này, Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tụp tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục