Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, nếu thẳng thắn nhìn nhận, lợi nhuận của nhiều nhà băng, trong đó có một số ngân hàng lớn, đã sụt giảm đáng kể, do kinh doanh khó khăn, kém hiệu quả trong hoạt động tín dụng, trong khi nợ xấu tăng. Tuy nhiên, nếu xét về con số trích lập dự phòng của các NHTM năm qua tăng lên đáng kể sẽ thấy rõ hơn bức tranh lợi nhuận thu về của các ngân hàng. Vì nếu không trừ đi số dự phòng, lợi nhuận nhiều ngân hàng đạt được trong năm 2014 không thua kém so với năm trước đó.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank cho biết, kế hoạch cổ tức 5% mà Ngân hàng đưa ra cho năm 2014 khó thực thi. HĐQT DongA Bank cũng đã có thông báo đến cổ đông hủy tạm ứng cổ tức đợt 1/2014. Nguyên nhân, lợi nhuận sụt giảm do chi phí dự phòng tăng khi nợ xấu của DongA Bank năm rồi tăng đáng kể, cho dù đã bán trên 2.000 tỷ đồng cho VAMC. Kế hoạch lợi nhuận DongA Bank đưa ra cho năm 2014 là 500 tỷ đồng trước thuế, song người đứng đầu ngân hàng này cho biết, ước chỉ đạt phân nửa.
DongA Bank không phải là trường hợp ngoại lệ, thực tế cho thấy, dự phòng rủi ro đã “ngốn” hết lợi nhuận của nhiều ngân hàng, nên kế hoạch cổ tức cho cổ đông sẽ được gác lại.
Eximbank là một điển hình khi lợi nhuận trước dự phòng năm 2014 ước đạt 1.600 - 2.000 tỷ đồng. Nhưng trước tình hình khó khăn chung của thị trường, nợ xấu tăng, con số lợi nhuận còn lại sau dự phòng chỉ ở mức 56 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, khi những năm trước, Eximbank luôn nằm trong số những ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ. Vì thế, ngân hàng này cũng khó lòng thực hiện được mức cổ tức 2014 dự kiến 8,5% cho cổ đông.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho rằng, khoản trích dự phòng của Ngân hàng trong năm 2014 tương đương với mức lợi nhuận đạt được hơn 310 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, với khoản nợ xấu bán cho VAMC, Ngân hàng vẫn phải trích 20% dự phòng cho trái phiếu đặc biệt. Vì thế, lợi nhuận còn lại sẽ thu hẹp, kế hoạch chi trả cổ tức của OCB trong năm nay cũng phải được tính toán và khó có thể kỳ vọng được mức năm trước.
Năm 2013, OCB chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 15%, trong đó 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và 5% bằng tiền mặt. Kế hoạch cổ tức dự kiến năm 2014 của OCB là 5%, nhưng do phải tập trung trích dự phòng rủi ro nên đến thời điểm này, Ngân hàng vẫn chưa tạm ứng đợt cổ tức nào cho các cổ đông.
Tại VIB, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro năm 2014 đạt gần 2.000 tỷ đồng, nhưng sau trích dự phòng, con số này chỉ còn 648 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, trước tình hình nợ xấu tăng, việc trích lập dự phòng là cần thiết để đảm bảo an toàn trong hoạt động nên khó có thể đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông về cổ tức, cho dù ở mức thấp.
Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, năm 2014, Ngân hàng đạt lợi nhuận đúng bằng kế hoạch là trên 123 tỷ đồng. Nhưng do đang giai đoạn tái cơ cấu, SCB phải tập trung mọi nguồn lực để trích dự phòng rủi ro, nhất là khi khoản nợ xấu được bán cho VAMC lên đến 12.000 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro của Ngân hàng đến cuối năm 2014 vào khoảng 1.600 - 2.000 tỷ đồng. Vì thế, không chỉ 2 năm qua mà chủ trương của HĐQT là chưa chia cổ tức năm 2015.
Nếu nhìn vào bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm 2014 có thể thấy có nhiều gam “tối”, song theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chưa hẳn kết quả lợi nhuận công bố của nhiều ngân hàng đã đúng với con số thực tế. Ngoài các ngân hàng công bố lợi nhuận đạt vài chục tỷ đồng, kết thúc năm qua, không ít nhà băng đạt mức lợi nhuận nghìn tỷ đồng, như Sacombank, Techcombank, ACB hay VPBank.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, vì sợ chi trả cổ tức cao, một số ngân hàng đã dấu bớt lợi nhuận. Vì thế, việc hô hào trả cổ tức cao sẽ khó có thể thực hiện được sau mùa ĐHCĐ thường kỳ. Bởi hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh hoặc hủy kế hoạch tạm ứng, chi trả lợi tức cho cổ đông.
“Trước tình hình khó khăn chung của thị trường, nợ xấu ngân hàng tăng đòi hỏi dự phòng lớn, kể cả các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, thì việc kỳ vọng cổ tức cao là khó có thể đáp ứng”, TS. Lịch nói.