Dấu hiệu trưởng thành

(ĐTCK) Thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy sự thích nghi và tự điều chỉnh ngày một tốt hơn. Điều đáng mừng, sự trưởng thành này đến từ chính tâm thế của các thành viên thị trường trước một năm được dự báo sẽ nhiều gian khó.
Dấu hiệu trưởng thành

Ở phân khúc quan trọng nhất của thị trường là căn hộ, theo báo cáo quý I/2019 của Savills Việt Nam, trong khi thị trường TP.HCM tiếp tục đói cung ở phân khúc căn hộ do những khó khăn trong việc phê duyệt dự án mới thời gian qua, thì ở đầu phía Bắc, thị trường Hà Nội cũng phản ánh đúng tâm lý tháng ăn chơi sau Tết Nguyên đán. Quý I, nguồn cung căn hộ mới ở thị trường Thủ đô chỉ khoảng 9.700 căn. Tuy nhiên, con số này cũng mang lại sự sai khác lớn khi cung giảm 36% theo quý, nhưng lại tăng 76% theo năm.

Năm 2019 được xem là năm mà các chủ đầu tư sẽ ngấm việc siết tín dụng, thắt chặt cấp phép dự án… Tuy nhiên, theo ghi nhận của người viết, tâm lý sợ sệt không hề xuất hiện. Thậm chí, khó khăn ngắn hạn còn được coi là dịp để thanh lọc thị trường.

Chẳng hạn, theo ông Vũ Ngọc Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội, dư địa phát triển của thị trường còn rất triển vọng nếu nhìn ở góc độ đô thị hóa và diện tích nhà ở/đầu người hiện nay. Hiện, diện tích nhà ở bình quân nước ta mới khoảng 25 m2/người, trong khi con số này ở nhiều quốc gia trên thế giới ở mức rất cao, từ 70 - 80 m2, hay thậm chí trên 100 m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam mới khoảng 40%, nhiều quốc gia phát triển là khoảng 80%.

“Tôi đang tưởng tượng trong những năm tới, người nông dân có thể ở trong đô thị, lái xe ra ngoài kinh doanh, làm việc trên những cánh đồng mẫu lớn”, ông Hoan nhấn mạnh.

Dù có những khó khăn trước mắt, nhưng cảm hứng đô thị hóa, tăng trưởng cư dân đô thị đã mang đến những cái nhìn đầy lạc quan, có cơ sở chắc chắn chứ không phải là sự mơ mộng. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà ở là thị trường tiềm năng do là một trong ba trụ cột của nền kinh tế. Mỗi năm, nước ta có thêm mới khoảng 1 triệu dân cư đô thị. Điều này kéo theo nhu cầu về nhà ở, việc làm và dịch vụ. Do đó, nguồn cung thường trực hàng năm là thực, luôn là nhu cầu lớn chứ không thể nói đã bão hòa.

Trao đổi về triển vọng và niềm tin vào thị trường, đại diện Savills Việt Nam cho biết, khả năng chi trả mua nhà của Việt Nam đã được sự cải thiện trong 3 năm vừa qua. Chỉ số giá nhà trên thu nhập giảm từ 34 trong năm 2016 xuống 21 trong năm 2018 do sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu. Riêng tại Hà Nội, chỉ số giá nhà trên thu nhập ở mức 17, tốt hơn mức trung bình của cả nước. Lượng hàng được bán ra  ở thị trường này cũng tăng từ năm 2014 với tốc độ 28% mỗi năm.

Chúng ta vẫn thường nói “ôn cố tri tân” và điều này có lẽ cũng không là ngoại lệ với thị trường bất động sản. Nhìn lại những diễn biến nổi bật trong quá khứ, ghi nhận nhịp đập ở thời điểm hiện tại và khả năng nắm bắt xu hướng tốt đang góp phần tạo nên một thế hệ các chủ đầu tư mới với tâm thế tự tin, với các chiến lược phát triển sản phẩm linh hoạt, chất lượng và chuyên nghiệp.

Nhìn vào sự ổn định của quý đầu tiên trong năm, nhìn vào tâm thế tự tin và cảm hứng lạc quan của các thành viên thị trường, có lẽ, năm 2019 dù còn nhiều thách thức, nhưng bất động sản sẽ vẫn tiếp tục là thỏi nam châm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, không chỉ với khối nội mà bắt đầu ngày càng hấp dẫn nhiều hơn các nhà đầu tư ngoại.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục