Nga là nhà sản xuất dầu sản xuất lớn thứ ba thế giới, nhưng nước này đã không còn được lòng người mua và nhà đầu tư sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang. Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng cả hai nước đều không phải là khách hàng mua lớn các sản phẩm năng lượng của Nga.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu phụ thuộc vào Nga với 40% lượng khí đốt tự nhiên và khoảng 30% lượng dầu cũng đang xem xét lệnh cấm. Trong khi đó, các công ty năng lượng từ nhà sản xuất BP đến công ty dịch vụ dầu mỏ Schlumberger đang rút lui khỏi thị trường năng lượng của Nga.
Do đó, theo S&P Global Commodity Insights, mặc dù giá dầu Brent đã tăng vọt nhưng loại dầu Urals hàng đầu của Nga đang giao dịch với mức chiết khấu kỷ lục so với Brent.
Hôm 23/3, S&P Global Platts đánh giá mức chênh lệch giữa giá dầu Urals và giá dầu Brent ở mức cao kỷ lục khoảng 31 USD/thùng, gấp khoảng 3 lần so với mức 11 USD/thùng vào ngày 24/2.
Theo S&P Global Commodity Insights, các quốc gia tiêu dùng lớn bên ngoài châu Âu, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng mua dầu Urals.
Bloomberg đưa tin, trước áp lực buộc phần còn lại của thế giới cắt đứt giao thương với Nga, các khách hàng Trung Quốc đang đàm phán các thỏa thuận riêng tư thay vì tổ chức đấu giá công khai. Các nhà chế biến và lọc dầu độc lập của Trung Quốc nằm trong số những người đang thảo luận để mua dầu của Nga.
Nga đã là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2021 nhưng Trung Quốc khó có khả năng nhập thêm nhiều dầu thô của Nga, do nước này có rất ít công suất dự phòng dọc theo các đường ống dẫn và các tuyến vận chuyển quan trọng.
Trong khi đó, Ấn Độ đã tăng mua dầu của Nga trong năm nay. Theo Bloomberg, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu Ural kể từ cuối tháng 2, tương đương khoảng 430.000 thùng mỗi ngày, gần như gấp đôi so với những gì họ đã nhập khẩu từ Nga trước đó.
Thời báo Kinh tế của nước này dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Hardeep Singh Puri cho biết, dầu của Nga chiếm một phần nhỏ trong tổng số 5 triệu thùng/ngày nhu cầu dầu của Ấn Độ.