Goldman Sachs: Giá dầu tăng lên 200 USD/thùng có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu giá dầu bùng nổ lên 200 USD/thùng như một số chuyên gia đã cảnh báo, Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bước vào một cuộc suy thoái (hoặc đã ở trong một cuộc suy thoái).
Goldman Sachs: Giá dầu tăng lên 200 USD/thùng có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái

Trong một ghi chú hôm thứ Năm (24/3), nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng giá dầu sẽ tăng liên tục lên 200 USD/thùng để tạo ra một cú sốc thu nhập tương tự như những cú sốc gây ra các cuộc suy thoái năm 1974 và 1979 - và điều này sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ suy thoái năm 2022”.

Giá dầu đã giảm xuống từ mức cao nhất khoảng 140 USD/thùng nhưng vẫn ở mức cao một cách khó chịu. Dầu Brent đang dao động ở mức 122 USD/thùng hôm 24/3 trong bối cảnh lo ngại về một loạt lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga. Giá dầu Brent đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái.

"Việc giá dầu tăng vọt lên 200 USD/thùng vào mùa hè không phải là điều không thể tin được và có thể thúc đẩy suy thoái. Rõ ràng, đây không phải là trường hợp cơ bản của chúng tôi nhưng không phải là một kịch bản viển vông”, nhà phân tích Michael Tran của RBC Capital Markets cho biết.

Trong khi đó, dữ liệu GasBuddy cho thấy giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ tăng 71,5 cent so với một tháng trước và cao hơn 1,37 USD/gallon so với một năm trước. Đổi lại, điều đó đã khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và lo ngại sẽ quét qua Phố Wall về sự suy thoái chi tiêu của người tiêu dùng và có thể dẫn đến nền kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius cho biết ông vẫn chưa sẵn sàng để dự đoán một cuộc suy thoái cho năm nay mặc dù chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.

"Các cú sốc hàng hóa trong giai đoạn đầu của các cuộc suy thoái những năm 1974, 1980, 1990 và 2008 đã bù đắp hoàn toàn bởi xu hướng tăng hàng năm của thu nhập thực tế - có nghĩa là không có phạm vi nào để tăng tiêu dùng thực tế mà không làm giảm tiết kiệm. Đây không phải là trường hợp của năm 2022 do số lượng việc làm và tiền lương tăng mạnh, cũng không phải như trong thời kỳ hàng hóa thăng trầm và tiếp tục mở rộng vào các năm 1999, 2005 và 2010. Ngoài ra, khoản tiết kiệm dư thừa hơn 2.000 tỷ USD được tích lũy trong đại dịch và tài sản hộ gia đình cao kỷ lục sẽ đại diện cho các bước đệm bổ sung cho tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay”, nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục