Khối băng tần đưa ra đấu giá lần này gồm: B1-B1' (703-713 MHz và 758-768 MHz), B2-B2' (713-723 MHz và 768-778 MHz) và B3-B3' (723-733 MHz và 778-788 MHz).
Băng tần 694-806 MHz (thường gọi là băng tần 700MHz) được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy hoạch để cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự mặt đất (analog). Từ 0h ngày 28/12/2020, Việt Nam đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trên cả nước và băng tần 700 MHz đã được giải phóng để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn IMT.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, việc quy hoạch băng tần 700 MHz cho hệ thống thông tin di động tiêu chuẩn IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G/5G được phát triển, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Băng tần 700 MHz được ví như băng tần “kim cương”, có giá trị thương mại rất cao có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển mạng 4G, 5G, giúp nhà mạng có thể cung cấp được dịch vụ giá rẻ hơn cho người dùng.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, các khối băng tần này đều có giá khởi điểm hơn 1.955 tỷ đồng; được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo. Thời hạn của giấy phép sử dụng băng tần là 15 năm.
Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 25-27/12/2024 tại Cục Tần số Vô tuyến điện, số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.